🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑
9/10
TL;DR
GIỚI THIỆU CHUNG
The Ones Who
Walk Away from Omelas là một truyện ngắn sáng tác hồi năm 1973 của nhà văn SFF
huyền thoại Ursula K. Le Guin. Năm 1974, truyện đã đoạt giải Hugo ở hạng mục
Truyện ngắn Xuất sắc nhất.
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Nếu anh em nào
hay đọc các bài review mình viết trong group, hẳn mọi người sẽ thấy cái bài này
bị cụt ngủn nghiêm trọng. Phần TL;DR thì trắng trơn, trong khi phần giới thiệu
chung thì có nhõn hai câu cộc lốc, về cơ bản là lặp lại phần tiêu đề theo một
kiểu dài hơn, với cùng lắm tương thêm việc nó từng đoạt giải gì đấy. Thằng này
nội dung đại khái thế nào, ý tưởng ra sao, nhân vật chính là ai, hay thậm chí đến
cả cái ngách của nó là gì cũng chẳng được đề cập đến. Nói cách khác, ngay cả khi mọi người đã
lướt qua hai phần của cái review này rồi, mọi người vẫn chẳng biết The Ones Who
Walk Away from Omelas là cái của khỉ gì.
Và mình chân
thành khuyên anh em hãy giữ nguyên cái đầu như thế để vào đọc The Ones Who Walk
Away from Omelas.
The Ones Who
Walk Away from Omelas (từ giờ sẽ gọi tắt là Omelas) là một mẩu truyện không thể
tả theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Về khoản nghĩa bóng, gần như chẳng có lời
nào có thể lột tả được hết cái hay của Omelas. Nó mang rất nhiều tầng nghĩa, ẩn
chứa rất nhiều thông điệp cực kỳ sâu sắc, và sẽ mang đến cho mọi người một trải
nghiệm vừa khó quên, vừa khó diễn đạt. Về khoản nghĩa đen, Omelas là một cái truyện với nồng độ spoiler cao không
tưởng. Động đến bất cứ điều gì về nó, kể cả chỉ một thứ cỏn con như việc nó nằm
trong cái ngách nào của SFF, cũng là cả một vấn đề, bởi vì nó sẽ ngay lập tức đánh
sụt những gì truyện sẽ mang lại cho mọi người.
Thực ra thì dù
nghiêm trọng, những cái spoiler về truyện không đến mức làm cả câu chuyện sụp đổ
đâu. Cá nhân mình cũng là một người đã bị spoil cực kỳ nặng cái truyện này, thậm
chí còn biết luôn từ đầu đến cuối nó có diễn tiến thế nào, nhưng anh em cứ nhìn
điểm mình cho là sẽ thấy điều đó gần như không làm suy chuyển cảm nhận của mình
với nó mấy. Vấn đề là lúc đọc xong cái mẩu truyện đấy, bên cạnh ngây ngất với những
cảm xúc lẫn lộn mà tác giả Le Guin đã khơi dậy trong người, mình còn thấy cực kỳ
uất ức, bởi lẽ mình biết sức công phá của quyển này hoàn toàn có thể cao hơn nếu
bước chân vào nó mà không hề biết đây là thứ gì. Chính bởi vậy, trong cái
review này, mình chẳng muốn nói gì hơn ngoài việc mong anh em đừng ai dại như mình
cả. Cứ tìm đọc Omelas đi, và hãy ngó lơ mọi giới thiệu, review, hay bất cứ cái
gì đả động đến nó.
Và khốn nạn
thay, thứ duy nhất mình có thể nói với anh em về Omelas lại là những điểm trừ của
nó, căn bản vì mấy cái điểm trừ đấy quá vặt vãnh và vô thưởng vô phạt, thế nên
không làm ảnh hưởng đến câu chuyện.
Chỉ có hai điểm
duy nhất mình nghĩ có thể sẽ khiến anh em thấy khó chịu (và đây chính là lý do
quyển này bị mình chấm là 9 đấy nhé, chứ điểm thực của nó phải là 10 kia). Cái đầu
tiên là Omelas không hẳn là một “câu chuyện” theo nghĩa mọi người sẽ kỳ vọng
khi nghe nhắc đến một câu chuyện đâu. Mặc dù cũng có cao trào và bẻ lái các kiểu,
truyện nhìn chung không có thứ gì giống với cốt hết, thế nên mọi người dễ chừng
sẽ thấy nó hơi lan man và vô định. Cái thứ hai là cái bản chất của truyện này
khiến nó không thể đọc một cách bình thường được, mà phải đọc khi đã có chút ít
kiến thức hòm hòm về SFF, hoặc tối thiểu cũng phải quen với một cái ngách của mảng
này, thì mới hiểu Le Guin đang làm gì với Omelas. Anh em mà có ai không quen đọc
cái ngách đấy, hoặc đơn thuần đọc truyện này mà không để ý, thì sẽ rất dễ để hụt
một tầng nghĩa rất quan trọng của truyện, và rốt cuộc sẽ thấy nó không thú vị
như đã quảng cáo.
Nhưng một lần
nữa này, mấy cái khiếm khuyết này cực kỳ vặt vãnh so với những gì Omelas mang lại,
thế nên mọi người cứ tìm đọc truyện đi nhé.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Cũng như với
phần cốt, cái thế giới của Omelas cũng thuộc diện “vùng
cấm,” và mình không thể nói gì nhiều về nó. Điều duy nhất mình có thể tiết lộ với
anh em là cái thế giới này được xây dựng theo một kiểu vừa đủ. Le Guin không miêu
tả cặn kẽ từng li từng tí mọi viên gạch cấu thành nên thế giới này. Một số nét về
cơ cấu hoạt động của nó cũng được động đến, nhưng chúng khá là sơ sài và trớt
quớt, không đi sâu vào phân tích hay tô vẽ gì cả. Khoản khoa học của nó thì anh
em cứ xác định luôn là không có đi. Dẫu thế, bà cụ vẫn dựng lên được trong tâm
trí anh em một bức hình khá sống động về cái thế giới nền của câu chuyện, đủ để
những gì cần xảy ra xảy ra.
Và có một điểm
mình phải nhấn mạnh lại thế này: Omelas không phải là một câu chuyện truyền thống.
Nếu thấy có lăn tăn gì về thế giới của nó trong lúc đọc, hãy nhớ kỹ lấy cái câu
này và những phần liên quan mình đã nhắc đến ở mục cốt nhé.
NHÂN VẬT
Phần này còn
thảm hơn hai phần trên, bởi vì chẳng có gì bàn được ở đây cả. Một lần nữa này:
cứ đọc Omelas đi, không cần biết gì hơn đâu.
TỔNG KẾT
Đây có lẽ là
cái review sơ sài nhất mình từng viết, nhưng không phải vì Omelas là một câu chuyện
rỗng tuếch hay nhàm chán. Ngược lại là đằng khác, tầm vóc của Omelas tỷ lệ nghịch
với cái độ dài cỏn con của nó, và độ hay của nó thì có bàn đến sáng mai cũng chẳng
hết được. Chết nỗi, chính vì Omelas quá sức hấp dẫn đến vậy, làm tổn hại đến trải
nghiệm của người khác với nó theo bất cứ cách nào cũng là cả một tội ác, thế nên
bài review hoàn hảo nhất cho nó sẽ là… một trang giấy trắng. Tất cả những gì mình
có thể làm để thuyết phục anh em đọc nó là giấu tiệt mọi thứ về nó, và lặp đi lặp
lại một câu duy nhất: đọc Omelas đi, đọc Omelas đi, đọc Omelas đi, đọc Omelas đi.
Và nhân tiện,
vì quyển này được đưa vào giảng dạy trong khá nhiều chương trình văn học đại học,
mọi người sẽ không khó để tìm ra một trường nào đấy đăng giáo án với tài liệu lên
web cho sinh viên dễ đọc, nhưng vì tính toán hơi chập cheng nên để cả người ngoài
cũng có thể tham khảo. Bản thân mình cũng đọc được Omelas trên web của một trường
cao đẳng tại Texas, nhưng vì không rõ liệu cái đấy là tài liệu mở có chủ đích
hay chỉ do bên trường họ sơ suất không giới hạn truy cập, thế nên không thể đăng
lên đây được, nhưng anh em tra Google một tí là sẽ ra ngay thôi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓