Chuyển đến nội dung chính

ANNIVERSARY: Ngày sinh của Forrest J Ackerman

Hôm nay kỷ niệm 104 năm ngày sinh của một trong những fan cứng cựa nhất làng SFF, thậm chí còn được coi như người đã đặt nền móng cho văn hóa fandom hiện đại: Forrest J Ackerman.


Ackerman bắt đầu trở nên đam mê với SFF ngay từ năm lên 6, khi được xem bộ phim One Glorious Day. Sau đấy, ông thường xuyên đón xem các bộ phim “imagi-movie” tương tự cũng như mua tạp chí đăng truyện SFF về để đọc. Đến năm 14 tuổi thì Ackerman không chỉ đơn thuần tiêu thụ các thành phẩm SFF nữa mà bắt đầu xắn tay áo đóng góp trực tiếp cho dòng này, với nỗ lực đầu tiên là thành lập một câu lạc bộ dành riêng cho Sci Fi, ấy là Boys' Scientifiction Club (đặt tên như thể bởi vì không dụ được con gái gia nhập 🐧 ).

Trong giai đoạn này, ông còn cùng với bạn bè xuất bản một trong những fanzine (tạp chí do fan tự làm) Sci Fi đầu tiên trên thế giới, ấy là tờ The Time Traveller, đồng thời về sau còn góp bài cho một fanzine tiên phong khác là Science Fiction Magazine do Shuster và Siegel (người đã tạo ra nhân vật Superman của DC) xuất bản và biên tập.

Năm 1939, một trong những hội nghị Sci Fi đình đám nhất ngày nay là World Science Fiction Convention (gọi tắt là Worldcon) lần đầu được tổ chức, và lẽ đương nhiên Ackerman cũng đến tham dự. Ông và bạn gái đã chế ra một bộ đồ “tương lai” để mặc đi dự hội. Hành động này về sau đã được những fan SFF khác hưởng ứng nhiệt liệt, và thế là cosplay đi vào trong văn hóa fandom.

Bên cạnh các câu lạc bộ nhỏ lẻ, ông còn tham gia một hội nhóm Sci Fi lớn có tên Science Fiction League, chi nhánh Los Angeles. Chính tại đây, Ackerman đã có cơ hội gặp gỡ những con người về sau sẽ trở thành đại thụ trong làng SFF như Robert A. Heinlein, Emil Petaja, Fredric Brown, Henry Kuttner, Leigh Brackett. Ông thậm chí còn đã chèo kéo Ray Bradbury đến tham dự câu lạc bộ này, và đã cùng Bradbury tung ra một fanzine mới có tên là Futuria Fantasia, mỗi tội chỉ chạy được bốn số thì ngưng.

Dần dần, vì hoạt động quá năng nổ, Ackerman gần như thành người cầm trịch luôn cái chi nhánh Los Angeles đấy, biến nó thành câu lạc bộ Sci Fi có tiếng nhất toàn Los Angeles. Cùng với bạn gái, ông tiếp tục cho xuất xưởng thêm một fanzine mới có tên là Imagination! (sau đổi tên thành Voice of the Imagi-Nation), về sau sẽ được trao giải Hugo ở hạng mục fanzine xuất sắc nhất 1946. Bản thân Ackerman về sau cũng ăm được một giải Hugo, hạng mục fan cứng số một, và cái giải này về sau không còn trao cho ai khác nữa.

Trong những thập kỷ sau đó, bên cạnh hoạt động trong cộng đồng fan, Ackerman còn tham gia đóng góp cho dòng theo một cách trực tiếp hơn. Ông thành lập một công ty đại diện xuất bản, và đã giúp nâng đỡ sự nghiệp của hàng trăm tác giả SFF giai đoạn thế kỷ 20, bao gồm cả những bè bạn mình như Ray Bradbury, Ray Harryhausen, Charles Beaumont, Marion Zimmer Bradley và L. Ron Hubbard. Ông đồng thời còn liên tục sưu tầm các kỷ vật liên quan đến SFF, từ nhỏ đến to, giữ lại ngay cả những bản thảo từng được gửi đến fanzine của mình nhưng bị từ chối. Ông thậm chí còn đã xuất hiện tại một buổi ký tặng sách của Stephen King, cho King một phen hết sức chưng hửng khi chìa ra bản thảo gốc câu chuyện mà King từng gửi đến tạp chí của Ackerman hồi 11 tuổi nhưng không được đăng. Dần dần, lượng kỷ vật ông tích tụ được lên đến gần 300.000 món, và Ackerman đã mở một bảo tàng 18 gian lấy tên là Son of Ackermansion để trưng bày chúng cho fan vào tham quan.

Ackerman cũng tham gia xuất bản truyện, cả tự viết hoàn toàn lẫn truyện viết chung với các nhà văn khác như A. E. van Vogt, Francis Flagg, Robert A. W. Lowndes, Marion Zimmer Bradley,… Đáng chú ý nhất, ông cho xuất bản một dòng tạp chí mới có tên là Famous Monsters of Filmland (chạy từ năm 1958 đến năm 1983). Trong tạp chí này, Ackerman tập trung vào giới thiệu các tác phẩm SFF điện ảnh đến cho những thế hệ độc giả trẻ. Khác với hầu hết các ấn phẩm liên quan đến điện ảnh khác, Ackerman không chú trọng tung hê các ngôi sao trước ống kính mà toàn tập trung quảng bá cho những con người hoạt động đằng sau hậu trường, ca ngợi công lao của bọn họ trong việc tạo ra sự kỳ diệu cho các bộ phim. Chính nhờ đây, Ackerman đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ lớn sau này dấn thân vào SFF, với tiêu biểu bao gồm Peter Jackson, Steven Spielberg, Tim Burton, Stephen King, Donald F. Glut, George Lucas, Danny Elfman, Frank Darabont, và Guillermo del Toro. Nó cũng giúp ông được cả cộng đồng fan lẫn giới làm phim Hollywood quý mến đặt cho cái biệt danh “Chú Forry.”

Đến khoảng thập niên 2000, sau gần bảy chục thập kỷ không ngừng quảng bá cho SFF và khuấy động cộng đồng fan của nó, tình hình sức khỏe của Ackerman suy giảm mạnh, khiến ông cứ phải nhập viện liên miên. Biết mình có cố lắm thì cũng chẳng kéo dài được tuổi thọ thêm bao lâu nữa, Ackerman quyết định không điều trị thêm gì nữa, chỉ uống thuốc men các thứ để giảm đau, còn đâu ra ngoài giao lưu nốt với anh em bè bạn của mình. Trong những ngày cuối đời, bên cạnh được các tác giả lớn ghé thăm, hàng ngàn thành viên khác trong cộng đồng cũng đã gửi thư đến tạm biệt ông, và Ackerman đã cợt nhả gọi đấy là một cái “tang lễ sống.”

Cuối cùng, vào cuối năm 2008, ông qua đời trong chính viện bảo tàng SFF của mình. Sau khi ông mất, trên bia mộ ông chỉ ghi vỏn vẹn một dòng chữ “Sci-Fi Was My High,” và góc của Đại lộ Franklin và Vermont, ở trung tâm khu phố mà "Chú Forry" đã sống suốt 30 năm liền, đã được đổi tên thành Quảng trường Forrest J Ackerman để vinh danh ông. 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.