Chuyển đến nội dung chính

Một xu hướng đáng ngại của giá sách, và cơ hội tiềm tàng cho một số tác phẩm đến từ ngôn ngữ lạ

 Như anh em biết rồi đấy, hồi chiều mình có share vụ bản gốc của Silo đang được giảm giá siêu sâu. Và vì dăm ba hôm trước có bàn về việc giá sách truyện thời buổi này đang tăng phi mã, mình nổi hứng đi tra thử xem giá thằng Wool bản dịch với bản gốc chênh nhau bao nhiêu. Để đỡ phải tính thêm chênh lệch phí ship hay chênh tỉ giá thì mình quyết định chỉ tra giá trên những nguồn có sẵn trong nội địa, chứ không chơi kiểu so giữa nguồn nội địa và nguồn nước ngoài. Và ngay tại cái nguồn đầu tiên (tra trên web của Fahasa), mình đã có kết quả như hình bên dưới.


Mới ngày nào truyện dịch còn rẻ gần trăm cành so với bản gốc, giờ nó đã đắt vượt đầu bản gốc rồi 🐧.

Công bằng mà nói, việc truyện dịch có giá độn lên cao hơn so với bản gốc kể cũng không đến mức quá phi lý. Truyện gốc thì chỉ có mỗi hoa hồng tác giả với phí vận hành của NXB thôi, còn truyện dịch thì có hoa hồng tác giả, phí của NXB phát hành bản dịch, phí môi giới bản quyền, tiền công dịch giả, phí xin giấy phép đủ kiểu. Mỗi lần lạm phát với vật giá nhích lên một tí là phía ta có nhiều thứ phí phải tăng hơn, xong kết hợp với việc bên ta thường in mỗi đợt với số lượng ít hơn nước ngoài nên biên lợi nhuận mỏng như dao cạo, thành thử không có nhiều đất để thắt lưng buộc bụng khi phí sản xuất tăng dần.

Tuy nhiên, sự thật vẫn cứ là giờ giá các bản sách dịch bắt đầu lên đến ngang hàng sách gốc rồi. Nếu nó là ngang với phiên bản ebook của sách gốc thì ít nhất vẫn còn chưa đến nỗi đáng lo lắm, vì anh em nào mà hay đọc ebook thì sẽ biết rằng trải nghiệm mọi người nhận được từ ebook so với sách giấy vẫn có những điểm khác biệt lớn (tính sưu tầm, tính thẩm mỹ và công dụng trang trí, cái cảm giác của bản thân hành động đọc,…). Nhưng vấn đề là đây lại là sách giấy đấu với sách giấy, thế nên giờ khác biệt gần như không có.

Nếu đem so một quyển truyện dịch giấy với một quyển truyện gốc giấy, điểm bật lớn nhất của các cuốn truyện dịch sẽ chỉ là chúng nó được viết bằng tiếng Việt, thế nên dễ tiếp cận với phần đông độc giả hơn. Chỉ có điều trong cái thời buổi tiếng Anh gần như đã trở thành phổ cập thế này rồi, tỷ lệ độc giả có thể đọc trực tiếp tác phẩm gốc ở mức ít nhất đủ để hiểu được nội dung cốt truyện không phải là ít ỏi gì nữa. Nếu được cho lựa chọn giữa việc đọc đúng những lời tác giả đã viết ra với giá rẻ hơn và đọc một bản diễn lại chắc chắn không thể chuyển tải trọn vẹn 100% mọi hàm ý của người viết gốc với giá đắt hơn, anh em nghĩ người ta sẽ chọn gì nào?

Cơ mà như đã nói trong một bài về nguồn du nhập Sci Fi thời xưa với thời nay (anh em nào chưa đọc bài đấy thì có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/02/tu-roadside-picnic-ngam-ve-thi-phan-sci.html), đây có lẽ sẽ là cơ hội để ta thấy những tác phẩm từ các quốc gia không nói tiếng Anh được chú trọng hơn. Những tiếng như kiểu Tây Ban Nha, Nga, Đức không có một lượng người sử dụng thông thạo cao như tiếng Anh, thế nên ngay cả khi bản dịch của chúng nó có giá cao hơn, phần đông người đọc sẽ vẫn chỉ còn lựa chọn đọc bản dịch, bởi vì bản gốc có muốn cũng chẳng đọc được.

Khó cái là các tác phẩm kiểu đấy lại hơi ít được cộng đồng độc giả nói tiếng Anh lưu tâm đến, trong khi mức độ hype của cái nhóm cộng đồng đấy thường có sức ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyện có được coi là “nổi” khi về Việt Nam không, bởi vì dân nhà mình hay hóng tin từ phía bọn họ (và lý do tất nhiên là vì sự phổ cập của tiếng Anh rồi). Có tiềm năng khắc chế cái vấn đề này cao nhất có lẽ sẽ là các tác phẩm gốc đến từ Nhật, Trung, hoặc Hàn, vì dân mình cũng có một lượng lớn hay hóng tin từ những cộng đồng đấy. Nhật với Hàn ra sao thì không biết, chứ phía Trung dạo này cũng thấy đẩy khá mạnh Sci Fi rồi, thế nên chắc sẽ không thiếu tác phẩm để khai thác đâu.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.