Chuyển đến nội dung chính

Một số điểm giống nhau thú vị giữa series Silo và franchise Fallout

 Bên cạnh việc khơi dậy những ký ức đau thương về vụ lỗ sml với cái thằng Beacon 23 hồi trước, cái bài về Wool hồi trưa còn khiến mình nhớ đến một tác phẩm Sci Fi khác nữa. Thằng đấy là cái game Fallout của Bethesda.

Trong trường hợp anh em chưa biết, Fallout là một chuỗi game hậu tận thế lấy bối cảnh là nước Mỹ sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hầu như toàn bộ lãnh thổ Mỹ (và cả thế giới nữa) đều đã bị biến thành một vùng đất hoang nhiễm độc phóng xạ nặng, và chỉ còn một vài cộng đồng lẻ tẻ là còn tồn tại. Trong số đó, có khoảng vài trăm nhóm là những cộng đồng sống trong Vault - về cơ bản là các boongke ngầm dưới lòng đất, được xây dựng với những thứ công nghệ nửa tân tiến, nửa lạc hậu (công nghệ của nó siêu việt hơn công nghệ hiện tại của ta, nhưng lại mang dáng dấp Atompunk, tức các công nghệ của thập niên 50 và 60). Vault có khả năng tự cung tự cấp nếu được cư dân của mình duy trì tử tế, mặc dù một khi có vấn đề xảy ra thì nó rất dễ phình ra như quả bóng tuyết, và đánh sập cả Vault. Mấy cái Vault đó có nhiệm vụ bảo vệ một phần dân số Mỹ khỏi các tác động của bom đạn hạt nhân cũng như ô nhiễm phóng xạ sau này, và về sau, các cộng đồng trong đó sẽ trở thành những hạt giống để tái xây dựng nước Mỹ.

Cái bối cảnh nền này của Fallout và cái hệ thống Vault của nó có rất nhiều nét tương đồng với Wool nói riêng và Silo nói chung (từ giờ mình sẽ gọi cả series Silo bằng cái tên Wool cho đỡ lẫn với mấy cái tháp silo ngầm của nó). Wool cũng là một tác phẩm lấy bối cảnh Mỹ sau một thảm họa tận thế, khiến cho thế giới trở thành một chốn hoang tàn không ai sống được, và con người cũng phải chui xuống đất sống trong boongke kiên cố, chỉ có điều boongke đấy được gọi là “Silo” chứ không phải Vault. Cũng giống với cái Vault của Fallout, Silo sở hữu những công nghệ hết sức tân tiến, nhưng đi kèm với nó lại là hàng loạt yếu tố công nghệ/văn hóa hết sức cổ lỗ, nhưng được kết hợp rất khéo nên tạo thành một nét đặc trưng thú vị chứ không phải là một sự kệch cỡm nực cười. Silo trong Wool cũng là một hệ thống tự cung tự cấp kín, có thể nuôi sống hàng ngàn con người, nhưng nó đòi hỏi mọi thứ phải được vận hành rất trơn tru, sơ hở hay lơ là một tí là sẽ sập cả Silo ngay.

Và đặc biệt, nếu anh em nào quen thuộc với cái lore của Fallout, hẳn mọi người đã để ý thấy là lúc nói về cái hệ thống Vault của series, mình đã chém láo một đoạn rất quan trọng (hay đúng hơn là lờ tịt đi một thông tin mấu chốt về bản chất thực sự của nó). Silo của Wool cũng có một đặc điểm na ná như thế, mặc dù chỉ giống trên dạng tinh thần thôi chứ không phải là giống chi tiết. Cụ thể nó giống/khác thế nào thì sẽ là một cái spoiler khá nặng cho cả Fallout lẫn Wool, thế nên mình không thể đi sâu vào bàn được (mặc dù thật ra, chỉ riêng việc mình nói về cái Silo nhiều như thế kia cũng đã spoil khá nhiều cho anh em rồi), nhưng anh em nào đã chơi Fallout rồi thì cứ biết rằng cái Silo của Wool cũng kiểu kiểu đấy nhé, còn anh em nào chưa chơi thì cứ biết là không thể trông mặt mà bắt hình dong đâu.

Có một điều đáng chú ý về các game trong franchise Fallout là hầu như chúng nó toàn bắt đầu với việc người chơi bị tống ra khỏi Vault và đi ngao du ở thế giới bên ngoài, trong khi gần như toàn bộ series Wool đều giam lỏng các nhân vật bên trong Silo, và ra ngoài là một án tử theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, vẫn có một game Fallout làm điều ngược lại, ấy là tập trung vào bản thân cái boongke ngầm kia, theo một kiểu khá giống với Wool. Tên của cái tựa đấy là Fallout Shelter (trailer bên dưới).


Fallout Shelter là một cái game thuộc thể loại “base building sim,” tức mô phỏng xây dựng căn cứ. Trong cái game này, mọi người đóng vai trò một người quản Vault, có nhiệm vụ duy trì một cái Vault hoạt động và phát triển nó lên càng lớn càng tốt. Trong quá trình chơi Fallout Shelter, mọi người phải biết cân đối giữa các nguồn lực như thức ăn, nước uống, và điện đóm, sao cho dân cư trong Vault không bị đói khổ mà chết. Mọi người cũng phải chăm lo cho cả đời sống tinh thần của họ nữa, vì nếu để ai thấy bất mãn hoặc chán đời quá thì ảnh hưởng tiêu cực sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, cái boongke cũng cần liên tục được cơi nới và nâng cấp, và mọi người cũng phải tính toán cái việc này rất cẩn thận, không là sẽ xảy ra thảm họa hoặc thiếu đất cho người sinh sống. Ngay cả việc tăng nhân sự cũng là một thứ cần tính toán, với việc người dân sinh con đẻ cái ra sao đều do tay mọi người quyết định hết.

Toàn bộ những điều trên đều rất khớp với cái phần có lẽ là thú vị nhất ở Wool: cái cách Silo được vận hành. Mặc dù có một số điểm khác biệt (tỉ như trong Wool không có trò cử người ra ngoài như Fallout Shelter, không có quái vật đột nhập, và hệ lụy từ việc để dân bất mãn nguy hiểm hơn hẳn), rất nhiều điểm ở Fallout Shelter cũng xuất hiện trong Wool. Anh em sẽ được thấy cách họ phân bổ người duy trì các hệ thống thế nào, cân đối các nguồn lực hết sức hạn hẹp của mình ra sao, và thậm chí còn kiểm soát chuyện sinh đẻ một cách quy củ và ngặt nghèo thế nào. Cho đến nay, dù đã quên khá nhiều về cái series này, cái cơ cấu tổ chức của Silo vẫn là điều mình thấy nhớ và có ấn tượng tích cực nhất.

Chính vì thế, trong lúc đang chờ Wool lên kệ, mình rất khuyên anh em hãy thử kéo cái Fallout Shelter về để chơi nhé. Nó có cả trên iOS, Android, lẫn máy tính, và như lần chót mình chơi thì nó là game miễn phí, và không có cái kiểu dồn ép thiên hạ phải xì tiền ra một cách quá lố đâu. Hãy vọc thử cái trò xây căn cứ đấy để hiểu công việc điều hành một căn cứ tự cung tự cấp dưới lòng đất trong bối cảnh hậu tận thế nó khó thế nào, từ đó thấy thấm hơn cái sự tài tình của Hugh Howey trong việc xây lên cái Silo trong truyện nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.