Chuyển đến nội dung chính

Một sáng tạo có vấn đề của I, Robot: The Illustrated Screenplay

 Trong bài review I, Robot: The Illustrated Screenplay tối qua, mình có đề cập đến việc dù rất trung thành với tuyển tập gốc, cái kịch bản này vẫn chế cháo thêm một số thứ mới, với chất lượng chỗ ổn chỗ không ổn. Trong số đó, thứ bất ổn nhất có lẽ sẽ là việc hai truyện ngắn Evidence và The Evitable Conflicts, hai truyện ngắn cuối cùng trong tuyển tập I, Rôbốt, đã bị thế chân bởi một câu chuyện do Ellison bịa ra gần như hoàn toàn.

Trước khi bàn vào cái sự phế trong câu chuyện của Ellison, ta cần điểm lại một tí về Evidence và The Evitable Conflicts, cũng như cái hay của chúng nó cái đã.



Ở mẩu truyện Evidence, ta được giới thiệu đến với Stephen Byerley, một luật sư đang đứng ra tranh cử thị trưởng. Để hạ uy tín Byerley, phe đối thủ của ông đã tung ra tin đồn rằng Byerley kỳ thực là một con rôbốt chứ không phải người, và truyện xoay quanh các nỗ lực chứng minh Byerley là rôbốt đến từ phe đối thủ cũng như những chứng cớ Byerley đưa ra nhằm chứng minh mình là chuẩn man theo đúng nghĩa đen. The Evitable Conflicts thì diễn ra sau Evidence khoảng vài (chục) năm gì đó, khi toàn bộ nền kinh tế Trái Đất đều đã được giao cho các siêu máy tính quản lý. Bọn siêu máy tính này quản lý mọi thứ rất ngon lành, nhưng cứ thỉnh thoảng, chúng nó lại phạm phải một cái lỗi gì đó, và trọng tâm câu chuyện là tìm hiểu thử xem có nguyên nhân gì sâu xa đằng sau những cái lỗi đấy hay không.

Thể theo đúng truyền thống các truyện khác cùng tuyển tập, Evidence và The Evitable Conflicts là những mẩu truyện phi hành động gần như hoàn toàn, chỉ thuần túy là hai trường hợp mổ xẻ các hệ lụy/cách ứng dụng tiềm tàng của ba điều luật rôbốt trong những tình huống thực tiễn. Ở trong Evidence, ta được thấy các hành vi của Byerley liên tục được/bị đem ra so sánh với các định luật này, vừa chỉ ra những điểm cho thấy cái ông đấy đang phá vỡ chúng nó, vừa chỉ ra rằng các hành động đấy vẫn hoàn toàn nằm trong khuôn khổ ba định luât, miễn sao người/con rôbốt tuân theo chúng đủ khôn khéo (hoặc nói một cách thô hơn thì là “lươn lẹo”) để diễn giải các luật theo chiều hướng có lợi. The Evitable Conflicts cũng làm điều tương tự, liên tục đem ba định luật ra so sánh với cách hành xử của lũ siêu máy tính (mấy cái máy này thực chất cũng là rôbốt, nhưng không có cơ thể hình người như rôbốt thường). Từ những suy luận và kiểm nghiệm dựa trên cái nền tảng đó, các lý do tiềm tàng đằng sau sai lầm chúng nó mắc phải dần được làm sáng tỏ, dẫn đến một cái kết rất sâu lắng và đáng suy ngẫm.

Evidence và The Evitable Conflicts đều là những truyện rất hấp dẫn, và chúng nó hoàn toàn có thể được lắp khít vào trong The Illustrated Screenplay. Tuy nhiên, Ellison lại không dùng hẳn bọn nó. Ông anh chỉ giữ lại đôi chút tình tiết từ Evidence và The Evitable Conflicts, bao gồm việc thế giới có một chính trị gia tên là Stephen Byerley, và từng có một siêu máy tính được con người tạo ra để làm việc thay mình, còn đâu thì bịa hẳn ra một câu chuyện mới. 

Trong câu chuyện của Ellison, ta không còn được cùng suy luận và phỏng đoán về thân thế Byerley cũng như chiêm nghiệm về cái độ “thoáng” của ba định luật rôbốt thông qua đồng chí đấy nữa, bởi vì Ellison đã nói huỵch toẹt ra luôn rằng Byerley là rôbốt giả dạng con người. Bên cạnh đó, Byerley này cũng không phải là một nhân vật với với tài trí cao siêu, liên tục lập ra được những kế hoạch thiên tài để bảo vệ bản thân trước những chiêu trò hạ uy tín của đối thủ, mà đã bị biến thành một dạng người hùng hành động. Cái siêu máy tính cũng mất sạch mọi sự đa chiều với cái kiểu nhập nhèm lý thú về việc hành động của nó là thiện hay ác, đồng thời còn mất cả cái bộ khung nền hấp dẫn mà về sau được Asimov xây dựng hẳn thành một định luật rôbốt thứ tư, cao hơn hẳn cả ba định luật kinh điển kia. Trong kịch bản của Ellison, siêu máy tính này chỉ là một cái con AI tàn ác đúng chuẩn Hollywood, ít nhiều giống với cái siêu máy tính Allied Mastercomputer mà Ellison từng khắc họa trong truyện ngắn I Have No Mouth, and I Must Scream của mình.

Từ trên cái tiền đề hai nhân vật đấy, Ellison đã thay đổi hoàn toàn bản chất của xung đột trong câu chuyện. Thay vì những màn đấu trí cao siêu và những lập luận lôgic sắc bén, những khám phá mang tính triết lý về cả rôbốt lẫn con người, ta lại có một màn đánh đấm khá cục súc bên trong một không gian ảo, ít nhiều giống cảnh Neo đấm nhau với Agent Smith trong ma trận. Trong quá trình theo dõi cái trận chiến này, mắt mình càng lúc càng lác tợn, nhưng không phải lác vì thấy nể phục sự hoành tráng của nó hay gì đâu, mà là lác vì cái sự nhảm nhí của nó. Cái cuộc chiến này cực kỳ cliché, mang đậm sắc hào nhoáng và lòe loẹt của Hollyweed, chưa kể còn lệch pha rất mạnh với những câu chuyện lúc trước. Thật khó mà tin được một thứ xôi thịt như thế này lại có thể tồn tại bên trong một cái kịch bản vốn ban đầu rất thông minh và sâu sắc như The Illustrated Screenplay.

Thật ra thì cũng hơi khó trách Ellison về quả này. Từ đầu đến giờ, The Illustrated Screenplay gần như chỉ toàn là tâm lý xã hội, với khoảng đâu 2 cảnh hành động ngắn cũn, trong khi kinh phí để hiện thực hóa nó thì lại cao ngất ngưởng. Nếu không có thêm tí hành động bắn nổ đì đoàng ở ít nhất đoạn cuối, e là sẽ rất khó cho studio hồi vốn. Việc biến Evidence và The Evitable Conflicts thành một thước phim hành động có lẽ là một thỏa hiệp Ellison bất đắc dĩ phải chấp nhận, ngõ hầu chiều lòng các ông lớn tại Hollywood. Cơ mà với cái kiểu kịch bản đằng nào cũng bị xếp xó như thế này, ông anh làm thế đâm ra lại uổng. Đằng nào cũng chẳng nên cơm cháo gì, mà rốt cuộc tác phẩm lại còn đầu đít lệch tông nữa chứ.

Nếu một ngày nào đó, có bên nào định thực sự chuyển thể cái kịch bản này của Ellison, hy vọng họ sẽ thuê biên kịch sửa lại khúc cuối một tí. Không nhất thiết phải chỉnh cho nó sát hẳn với hai truyện ngắn gốc đâu, nhưng ít nhất cũng nên cho tăng mức suy luận với độ liên quan đến ba định luật lên tí. Để nó là hành động thuần thế này chán quá.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.