Chuyển đến nội dung chính

Hiệu sách - một mô hình kinh doanh bền bỉ bất ngờ

 Như anh em biết đấy, đâu tầm hai hôm trước, Nhã Nam có tuyên bố sẽ đóng cửa 2 hiệu sách tại Hà Nội. Vì đùng một phát đóng cả 2 hiệu liền, thế nên tin này cũng khiến cộng đồng độc giả phần nào rúng động, và đã khá nhiều người coi đây như một ví dụ buồn về sự suy tàn của các cửa hiệu vật lý, hoặc chí ít thì cũng là một minh chứng của suy thoái kinh tế. 

Nhưng rồi đùng một phát, Nhã Nam đã tung ra một pha bẻ lái cực mạnh. Đâu khoảng tối ngày hôm qua, phía Nhã Nam đã đăng thêm một bài nữa để đính chính lại vụ đóng cửa hiệu sách của mình. Đúng là 2 cái hiệu ở Kim Liên với Nguyễn Quý Đức sẽ bị dẹp đấy, nhưng bù lại, trong thời gian sắp tới, họ sẽ mở thêm 2 hiệu nữa, cũng vẫn ở Hà Nội. Anh em có thể tham khảo cái thông báo của họ về vụ đó ở đây: https://www.facebook.com/nhanampublishing/posts/pfbid0PSFWReouQRnNVBb7RTof3xXyNEwgjV5rvArsqBsWGRjQSsoTmqg3HvefwZGA5BX2l.

Nói cách khác, hiệu sách Nhã Nam không tự nhiên sinh ra mà cũng chẳng tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ phường này sang phường khác 🐧.

Vụ việc này của Nhã Nam khiến mình nhớ đến một bài báo từng đọc cách đây ít lâu, xoay quanh một số liệu hết sức bất ngờ: trong số các mô hình doanh nghiệp tại Mỹ, thằng có khả năng chống chịu suy thoái kinh tế cao nhất lại là… các hiệu sách.

Turns out that America’s most “recession-proof” business is . . . bookstores.

Cụ thể hơn, cuối tháng 2 vừa rồi, Forbes, một tạp chí kinh doanh nổi tiếng, vừa công bố kết quả nghiên cứu về các loại hình doanh nghiệp nhỏ cũng như sức ảnh hưởng của suy thoái đối với chúng nó, dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ và Google Trends. Họ đã lọc ra một danh sách top 10 doanh nghiệp dễ sống qua suy thoái nhất, và đứng chễm chệ đầu bảng là các hiệu sách.

Như Forbes phân tích, lương thưởng của nhân viên các hiệu sách tăng khá ổn định, cả trong thời kỳ Đại Suy Thoái (+13%) lẫn giai đoạn cuối của đại dịch Cô Vy (+16%). Đáng chú ý nhất, vào thời điểm Cô Vy đang lắng dần xuống, số lượng các hiệu sách đã tăng thêm 43%, cao nhất trong số tất cả các loại hình doanh nghiệp khác. Chính từ những dữ liệu này, Forbes đã kết luận rằng trong năm 2023, các hiệu sách sẽ là những doanh nghiệp nhỏ dễ sống qua suy thoái nhất.

Về lý do thì không có số liệu nào cụ thể, nhưng Forbes có dẫn lời một bài báo đăng cách đây 5 năm của tờ Financial Times. Trong bài báo đó, Financial Times cũng nhắc đến việc sách tương đối miễn nhiễm với suy thoái, và lý do họ đưa ra là sách là một mặt hàng tương đối rẻ, và có truyền thống được nhìn nhận là loại hình giải trí rất đáng đồng tiền bát gạo, thế nên chúng nó vẫn có người mua. LitHub, bên đã share lại bài báo của Forbes, thì cũng nêu ra một giả thuyết tương tự. Theo lời bọn họ thì trong suy thoái, con người ta sẽ hạn chế mua những thứ quá tốn kém hay không thực sự quá thiết yếu, chẳng hạn như xe cộ, đồ nội thất, xây sửa nhà, gọi xe ôm/taxi,… Nhưng may mắn là trong mắt thiên hạ, sách vừa đủ rẻ lẫn vừa đủ quan trọng để không bị gạt khỏi danh sách mua sắm của quá nhiều người trong những thời điểm cần phải thắt lưng buộc bụng, thành thử chúng nó mới bền bỉ được đến thế.

Giờ thì trông vào cái kiểu Nhã Nam chỉ dịch nhà sách đi chỗ khác chứ không thu hẹp quy mô hoạt động, giữa lúc sóng suy thoái đang chớm vỗ đến Việt Nam, có vẻ cái điều này cũng đúng với cả thị trường ta đấy chứ nhỉ?

Mặc dù với cái kiểu giá bìa tăng phi mã như hiện nay, độ bền bỉ của các hiệu sách sắp tới sẽ bị thử thách căng lắm đây 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.