Chuyển đến nội dung chính

Chó rô-bốt trên chiến trường - nền tảng cho Chó Săn Miền Bom Đạn?

Bữa nay lướt báo mình có vô tình vớ được bài này. Lúc đọc lướt tít thì tí tưởng Ukraine vừa cẩu được con Đại Ca nào về, anh em ạ 🐧.

Như anh em hẳn cũng đã biết rồi đấy, kể từ khoảng giữa 2016 đến nay, sau khi một cái clip quảng bá cái mẫu rô-bốt 4 chân tự hành mà Boston Dynamics tung lên mạng trở nên viral, đã có rất nhiều bên tăm tia mua con này hoặc chế tạo các mẫu riêng với kiểu thiết kế nền tương tự để phục vụ đủ thứ mục đích khác nhau. Chúng chạy từ gắn súng sơn lên người con này để làm game (https://www.forbes.com/sites/curtissilver/2021/02/22/spots-rampage-unabashedly-slaps-us-with-the-reality-of-a-militarized-dog-future/), gắn súng phun lửa lên người bọn này để dọn tuyết với chống cháy rừng (https://throwflame.com/products/thermonator-robodog/), gắn súng tỉa lưng chúng nó để phục vụ các nhiệm vụ quân sự (https://scifivietnam.blogspot.com/2021/10/q-ugv-mot-mau-robot-cho-ban-tia-ang-so.html), gắn súng phóng tên lửa lên người chúng nó để làm điều tương tự (https://www.twz.com/marines-test-fire-robot-dog-armed-with-rocket-launcher).

Ok, giờ điểm lại mới thấy, thế bất nào mà thiên hạ thích gắn súng lên lưng chó thế nhỉ 🐧?

Mà thôi, về vấn đề gốc. Việc đám chó rô-bốt này được đem ra ứng dụng trong các lĩnh vực mang tính quân sự thì không có gì quá mới mẻ cả, cơ mà đáng chú ý là tính đến nay, chủ yếu chúng nó mới chỉ được áp dụng trong khuôn khổ các thí nghiệm hoặc các bài diễn tập, hoặc cùng lắm là cho triển khai ngoài thực địa cùng với cảnh sát để đi tuần tra (https://www.smithsonianmag.com/smart-news/singapore-using-robotic-dog-enforce-proper-social-distancing-during-covid-19-180974912/) với dò phá bom mìn và giải quyết xung đột ở quy mô nhỏ (https://apnews.com/article/massachusetts-cape-cod-robot-dog-police-f63586d5286750702f396109c9a81836) thôi, chứ hình như chưa thấy ai triển khai lũ này ngoài một chiến trường nghiêm chỉnh với quy mô lớn cả.

Ít nhất là cho đến bây giờ.

Vừa đâu 2 tuần trước, Lữ đoàn Cơ giới hóa Độc lập 28 của Ukraine đã đăng một cái clip Telegram, quay cảnh một mẫu chó như thế được đem ra thử nghiệm tại Toretsk, gần Bakhmut. Trong bài thì chỉ có một đoạn trích nhỏ từ clip, nhưng mà anh em có thể xem một phiên bản đầy đủ hơn ở đây:



Như bài báo có nói, bọn rô-bốt này hiện đã được triển khai để đi do thám làng mạc và các vị trí trên tiền tuyến, và cái clip mình dẫn ở trên cũng thể hiện rất rõ việc bọn này có thể làm điều đó một cách hiệu quả thế nào. Lũ chúng nó có thể di chuyển rất ngon lành trên đủ mọi loại địa hình gập ghềnh, khó đi, và có thể chui rúc, ẩn nấp, thậm chí ngụy trang đến mức cực khó phát hiện. Nhưng ứng dụng của bọn này không ngừng lại ở đấy. Trong cái clip, người ta có nói rằng bọn này có thể được áp dụng để đi dò tìm bom mìn, chuyên chở vũ khí, đạn dược đến cho binh lính ở những khu vực khó tiếp cận, và thậm chí còn có thể được áp dụng để diệt tăng hoặc làm cách nhiệm vụ vốn truyền thống sẽ cần đến nguyên một tốp 3-5 người lính gì đấy và một lố trang thiết bị liên lạc lằng nhằng. Hiện không thấy ai nói gì về việc gắn súng ống lên người chúng nó và để bọn này cùng tham chiến với bộ binh trong các trận đánh trực diện, nhưng mà căn cứ vào cách người ta đã tính việc sử dụng chúng nó để diệt tăng và cái kiểu từ trước đến nay, cứ hở tí ra là thiên hạ lại tìm cách gắn súng cho bọn nó, có lẽ cũng không có gì quá xa vời nếu trong thời gian sắp tới, trên các chiến trường Ukraine sẽ vang lên tiếng súng không do con người bóp cò đâu.

Nhắc đến đây, tự nhiên lại nhớ lời một thanh niên nát rượu nào đó từng nói trong cái cuốn truyện với tiêu đề trùng dòng tít này:

“Hồi tôi còn nhỏ ai cũng bảo rôbốt sẽ là tương lai. Rôbốt sẽ tham chiến thay ta: nào máy bay không người lái, nào lính kim loại, nào xe tăng lắp não điện tử. Và ừ, rồi chúng sẽ nổi dậy làm phản và tiêu diệt nhân loại đấy, nhưng trước khi thời khắc ấy đến, lính tráng rôbốt sẽ có mặt tại mọi chiến trường trên Trái Đất. Lúc tôi còn học ở Yale, phân nửa lớp tôi cứ đinh ninh mình sẽ trở thành ông nọ bà kia trong lĩnh vực điều khiển học tự hành. Giờ họ lại đang tự hỏi vì đâu mà mình ra nông nỗi này.”

Và về phần lý do đội điều khiển học tự hành không thành “ông nọ bà kia” được thì:

“Cô, ờm, đã xem thước phim Kashmir nào chưa?” anh hỏi cô.

“Tôi xem cũng đủ rồi,” cô xác nhận. Máy này hack máy nọ, máy nọ hack máy kia, máy kia hack máy kìa, cho đến khi tất cả trở thành một nùi mã lỗi và chẳng ai kiểm soát nổi tình hình ở đó nữa. Bỗng chốc, thiên hạ đâm dị ứng với việc thuê mướn một đội quân rôbốt. Trông tình hình lúc bấy giờ, những tưởng nhân loại sẽ đành phải chấp nhận gây cảnh binh đao bằng máu thịt con người theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, nhờ biết nhìn xa trông rộng, kha khá công ty vũ khí đã lường được trước vụ sụp đổ thị trường đấy. Họ đã bắt tay vào nghiên cứu đường hướng mới sẵn rồi.

Thời nay, công nghệ mã hóa đã tiến bộ vượt trội; nhiều nhà điều khiển học nói rằng đã đến lúc cho lũ rôbốt một cơ hội nữa. Với tư cách người trong nghề, Hartnell để mắt theo dõi một số chương trình chế tạo lính thay thế. Mục tiêu chúng hướng tới là tạo ra một mẫu rôbốt bộ binh hoàn hảo, không thể gặp lỗi. Xui xẻo thay, vẫn chưa ai quên những thước phim truyền về từ Kashmir hết. Vụ đó là cả một thảm họa nhân đạo. Vài vùng trong cái miền kia hãy còn là cấm địa vì một số cỗ máy vẫn đang hoạt động rất hăng, ừng ực uống nắng và tàn sát bất cứ thứ gì động đậy.

Nói cách khác, với cái tình hình này thì có khi thêm dăm chục năm nữa, việc thấy mấy con chó ôn thần lăm lăm súng ống trên lưng chạy khắp mọi làng bản reo rắc kinh hoàng cũng không đến mức quá bất khả thi đâu 🐧. 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.