Chuyển đến nội dung chính

Balaji Srinivasan, "Nhà Nước Mạng," và giấc mơ về một thế giới phi tập trung của Neal Stephenson

Bữa nay mình mới vớ được một bài báo thú vị, xoay quanh một cái đề xuất về mô hình nhà nước mới dựa trên nền tảng công nghệ phi tập trung. Cơ mà với anh em trong group, có thể cái đề xuất đấy sẽ nghe khá là quen thuộc, bởi nó từng xuất hiện dưới một dạng hình gần như y hệt trong một tác phẩm Sci Fi nhất định rồi.

The crypto bros who dream of crowdfunding a new country


Chuyện là đâu tầm mùa thu năm ngoái, ở Amsterdam có tổ chức một cái hội thảo công nghệ gì đấy, không thấy báo nêu hẳn đề tài hay tên tuổi, nhưng chắc chủ đề chính có liên quan đến tiền số, vũ trụ ảo, với blockchain các kiểu. Trong cái buổi hội thảo này, có một khách mời tên là Balaji Srinivasan, một nhà đầu tư kiêm doanh nhân công nghệ Mỹ.

Trong phần phát biểu của mình, Balaji có nêu ra quan điểm rằng hầu như mọi thứ hiện đang do chính phủ quản lý đều có thể được các tập đoàn công nghệ thực hiện một cách hiệu quả hơn. Balaji kêu gọi khán giả tưởng tượng ra một thế giới tương lai gần, trong đó có hàng nghìn startup khác nhau được thành lập. Mỗi startup này sẽ sử dụng công nghệ để phục vụ một nhu cầu nhất định của thị trường, vốn trước nay do một tổ chức truyền thống nào đấy của nhà nước đảm nhiệm. Lúc ban đầu, chúng sẽ tồn tại song song với hệ thống hiện hành; nhưng càng ngày, nhờ sự ưu việt trong vận hành của mình, chúng sẽ càng thu hút được nhiều người dùng hơn, ngày càng trở nên mạnh mẽ và thậm chí càng hiệu quả hơn, cho đến khi bọn này gần như trở thành lựa chọn tiêu chuẩn luôn, thay thế hẳn các tổ chức truyền thống.

Cái ý tưởng đấy của Balaji kể ra cũng không phải là quá hoang tưởng. Ngay ở trong chính xã hội hiện nay, ta đã thấy một điều na ná như thế bắt đầu xảy ra rồi. Cái ví dụ dễ thấy nhất nằm trong lĩnh vực vận chuyển. Giờ nếu có gửi hợp đồng, bưu phẩm nhỏ lẻ trong chặng ngắn, thiên hạ đa phần toàn mở app gọi Grab; còn cần gửi đường dài thì cũng bật app GHN, GHTK, hay NinjaVan gì đó lên, điền địa chỉ vào, thế là sẽ có nhân viên phi đến tận nhà lấy đem chuyển đi. Không biết anh em thế nào, nhưng mà như cá nhân mình thì cũng phải non nửa thập kỷ rồi không bước chân ra bưu điện nữa, bởi các công ty tư khác đều phục vụ tận mồm quá tiện lợi.

Những mảng khác thì khó thay thế hơn tí, không vì các hàng rào mang tính kỹ thuật và kinh tế thì cũng vì hàng rào pháp lý với chính trị, cơ mà với cái ví dụ về vận chuyển, ta có thấy rằng về mặt lý thuyết mà nói, để các công ty tư sử dụng công nghệ để thay thế vai trò của các tổ chức nhà nước trong xã hội sẽ không phải là bất khả thi. Mặc dù tất nhiên, liệu nó có thể thực sự xảy ra ngoài đời được không (hay thậm chí liệu ta có muốn để điều đó xảy ra không) thì lại là chuyện khác.

Nhưng Balaji không chỉ dừng lại ở việc vẽ ra cái viễn cảnh nơi mọi vai trò của chính phủ đều bị/được các công ty tư làm thay. Như ý của Balaji, nếu mọi thứ chính phủ làm đều có thể được các công ty startup làm thay, thế thì sự tồn tại của chính phủ sẽ không còn cần thiết nữa. Và như vậy, sẽ có khả năng là trong một tương lai, cái mô hình chính phủ hiện tại sẽ không còn tồn tại nữa, mà ta sẽ có một thứ gọi là “Nhà Nước Mạng” (tức “Network State”).

Cụ thể hơn, theo hình dung của Balaji, một Nhà Nước Mạng sẽ có tiền đề là một cộng đồng online nào đấy, do một nhóm những người có cùng sở thích, mối quan tâm, hoặc giá trị chung nào đấy trên khắp thế giới hợp lại mà thành. Cái cộng đồng này sau đấy có thể hùn vốn lại mua đất, và thế là có được một "lãnh thổ" vật lý, nơi các thành viên có thể dọn đến chung sống. Người sống trong các khu vực này có thể tự tạo ra luật pháp riêng, và sử dụng các dịch vụ startup đã kể trên để giúp mình cai quản thành viên và duy trì cộng đồng, và từ đấy về cơ bản trở thành một quốc gia mới. Những quốc gia này sẽ tồn tại song song với các quốc gia hiện hữu, và cuối cùng, sẽ thay thế chúng hoàn toàn.

Nói một các nôm na hơn, khái niệm Nhà Nước Mạng này của Balaji cũng hao hao cái kiểu một mạng lưới các đặc khu kinh tế - tức những vùng lãnh thổ nằm trong một quốc gia nhất định, nhưng vì lý do kinh tế/chính trị gì đấy, chúng nó lại vận hành theo một bộ luật khác với những vùng lãnh thổ còn lại của đất nước. Chỉ có điều thay vì do một chính thể nhà nước công quản lý, các đặc khu này sẽ do tư nhân quản hoàn toàn.

Nói như thể có thể hơi trừu tượng, cơ mà có một cái ví dụ anh em có thể nhìn vào luôn: bản thân cái group chúng ta.

Cụ thể hơn, cái group của ta là một cộng đồng online, nơi các thành viên cùng quy tụ lại quanh một sở thích chung là các món media SFF. Về mặt lý thuyết mà nói, nếu cái group chúng ta trở nên đủ lớn, và quy tụ được những thành viên vừa đủ giàu có, vừa đủ quan hệ chính trị, thì group ta có thể mua đứt lấy đất ở mấy vài quận ở 3 miền Bắc - Trung - Nam (giả sử Đống Đa ngoài Hà Nội, Liên Chiểu ở Đà Nẵng, và Gò Vấp trong Sài Gòn), và biến các khu này thành khu tự trị hội Sci Fi. Ta sau đấy có thể sử dụng dịch vụ của các startup Balaji đã nói để điều hành các khu tự trị này, tiền tệ các thứ thì dùng chó-coin hay gì đó tương tự, và từ đấy hình thành một thứ gọi là “Imperium Sanctum Scientiae Fictionis” (Đế quốc Sci Fi Thần thánh) - một chính thể Nhà Nước Mạng phi tập trung, nơi ai cũng có thể trở thành công dân nếu có nhu cầu (nhưng tất nhiên với điều kiện không đòi nhập tịch để đọc trinh thám rồi 🐧 ), và chán thì có thể bỏ đi.

Imperium này có thể có một bộ luật riêng, chẳng hạn không chấp nhận bảo hộ bản quyền cho bất cứ loại hình media gì hết, và nếu có bị nhà nước truy bắt hay bị ai kiện vì vi phạm bản quyền, anh em chỉ cần thò được chân vào địa phận Đống Đa/Gò Vấp/Liên Chiểu là auto sẽ được bảo kê, không bị bắt bớ gì, và lực lượng chức năng của nhà nước sẽ chỉ còn biết đứng ngoài tặng anh em mấy ánh mắt hình viên đạn, chứ không thể phăm phăm xông vào các quận này còng đầu anh em đi được.

Cơ mà bù lại, thành viên đều đặn hàng năm phải “nộp tô” 10 file media (phim ảnh, ebook, manga, anime,…) có liên quan đến SFF vào một cơ sở dữ liệu chung, không trùng với các file đã có từ trước, và tuyệt đối không được dính dáng gì đến Romantasy. Nếu ai bị bắt quả tang tiêu thụ hay phát tán Romantasy thì sẽ bị khép vào tội hình sự, với hình phạt sẽ là cưỡng chế chơi Concord 10 tiếng liên tục mỗi ngày trong thời gian 6-9 năm, tùy vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Nếu anh em nào có lỡ bị ai trông thấy cầm quyển Cánh Tư trên tay, tất cả những gì anh em cần làm là hộc tốc chạy ra khỏi Đống Đa/Gò Vấp/Liên Chiểu trước khi bị lực lượng Vigiles Scientiae Fictionis tóm, vì ra ngoài khu này là lại theo luật Việt Nam rồi, và các anh Vigiles của Đế quốc chỉ biết giơ mắt ếch ngó chứ chẳng làm được gì anh em cả.

Mặc dù tất nhiên, ra lại bên ngoài thì anh em sẽ bị còng đầu vì tội vi phạm bản quyền, vì luật Việt Nam lại có hiệu lực rồi mà 🐧.

Đương nhiên, chắc sẽ chẳng có cái nước nào lại đặt ra toàn những cái luật ba chấm như thế, nhưng cái Thánh chế Sci Fi mình kể ở trên về cơ bản chính là cái cách một Nhà Nước Mạng như Balaji hình dung sẽ hoạt động, nếu các điều kiện về kinh tế, chính trị, và xã hội cho phép.

Đáng chú ý là cái khái niệm Nhà Nước Mạng này thực chất không phải là mới. Đã từng có một tác phẩm đề cập đến một thứ tương tự như nó rồi, và đây tình cờ lại là một thứ đã đóng vai trò rất lớn trong việc khiến cho mấy cái metaverse với thế giới ảo kiểu này bùng nổ mạnh mẽ trong thập niên vừa qua. Ấy chính là The Diamond Age của Neal Stephenson.

The Diamond Age thì có thể sẽ hơi ít anh em từng nghe danh, cơ mà Neal Stephenson thì chắc anh em chẳng còn lạ mấy nữa rồi, bởi thanh niên này chính là tác giả của một cuốn tiểu thuyết Cyberpunk cực nổi là Snow Crash - tức cái quyển mà thằng bợm thằn lằn Zucc đã nhìn vào để chôm lấy ý tưởng vũ trụ ảo và thậm chí cả cái thuật ngữ “metaverse” về làm của riêng. Trên thực tế, The Diamond Age còn có thể coi là một dạng sequel của Snow Crash, bởi nó diễn ra trong cùng vũ trụ, chỉ có điều ở một mốc thời gian xa xa trong tương lai, và kế thừa và phát triển thêm nhiều ý tưởng gốc đã tồn tại trong Snow Crash, với thậm chí còn có cả một nhân vật Snow Crash tái xuất hiện nữa luôn (mặc dù thanh niên này giờ già khú đế, và dùng một cái tên khác chứ không còn là tên cũ nữa).

Trong số các ý tưởng mà The Diamond Age kế thừa từ Snow Crash, ta phải kể đến cái việc ý tưởng về việc các nhà nước tập trung theo kiểu cũ về cơ bản đã lùi vào dĩ vãng. Cụ thể hơn, trong thế giới của The Diamond Age, đến khoảng tầm trước thế kỷ 21 thì mọi thứ diễn ra về cơ bản theo đúng tiến trình lịch sử, nhưng sau đấy, một loạt các khủng hoảng kinh tế xảy ra, kể hợp với sự phát triển tràn lan của những loại tiền số mã hóa (kiểu mấy đồng như Bitcoin ấy) nằm ngoài quản lý nhà nước đã dẫn đến một sự sụp đổ dây chuyền của các thể chế chính phủ trên khắp thế giới.

Chính phủ không hẳn biến mất hoàn toàn, nhưng quy mô đã bị thu hẹp lại rất nhiều, và một loạt các tổ chức tư nhân đã hè nhau nổi lên để trám vào cái khoảng trống quyền lực mà chính quyền để lại. Mấy cái tổ chức này dần tự độc chiếm các vùng lãnh thổ riêng, tạo thành các tiểu quốc với lực lượng cảnh sát riêng, hệ thống an ninh riêng, và quy trình “nhập tịch” riêng. Đến cả các dịch vụ công kiểu đường sá các thứ cũng rơi vào tay tư nhân quản lý hết, dẫn đến những câu chuyện hài hước như có một cái ngã tư quan trọng cứ bị hai công ty tư tranh giành nhau suốt, đến mức còn phái cả lính bắn tỉa đi trực ở đấy để giành quyền kiểm soát cái ngã này. Mấy cái vùng tự trị như thế được gọi là “franchulate,” và về chúng nó thì từng có lần mình nói khá kỹ trong bài review Snow Crash rồi, anh em nào quan tâm có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-snow-crash-cua-neal-stephenson.html.

Sang đến The Diamond Age, cái mô hình nhà nước tư nhân kiểu franchulate như thế vẫn còn tồn tại, cơ mà nó đã được nâng cấp lên thành một mô hình mới, ấy là “phyle.”

Để dễ hình dung về phyle, anh em hãy thử nhìn vào một thứ rất cận kề thế này: Giáo hội Công giáo.

Đây là một tổ chức cấu thành từ những con người đa dạng, thuộc đủ mọi tầng lớp, quốc tịch, sắc dân, nhưng tất cả đều có cùng chung một hệ tư tưởng với nhau. Cái tổ chức này cũng sở hữu những “lãnh thổ” riêng, ấy chính là các nhà thờ, và các nhà thờ đó nằm rải ở rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Bên trong các vùng lãnh thổ này, anh em sẽ phải tuân thủ một bộ quy tắc hành xử riêng, khác biệt với quy tắc ở những nơi khác (chẳng hạn làm dấu thánh khi vào nhà thờ, không được gọi tên Chúa vô cớ,…).

Anh em sẽ có thể “nhập tịch” vào cái tổ chức đấy theo một cách tương đối dễ dàng, miễn sao đáp ứng được một số yêu cầu họ đề ra, và khi vào trong tổ chức thì anh em sẽ được hưởng một số quyền lợi riêng, được hỗ trợ bởi các thành viên các kiểu, nhưng cũng phải tuân thủ một số quy tắc nhất định. Khi nào chán, anh em có thể tuyên bố từ bỏ cái “quốc tịch” đấy, hoặc nếu anh em làm gì trái với nguyên tắc của tổ chức, người ta có thể tước đi quốc tịch của anh em và tống anh em ra ngoài.

Đó, về cơ bản, chính là cách hoạt động của một phyle.

Nói cụ thể hơn, phyle là một tổ hợp những nhóm người có chung một lối sống, một mối quan tâm, hoặc một hệ tư tưởng đặc biệt nào đấy. Nó có thể là tôn giáo, chẳng hạn phyle những giáo dân Công giáo, phyle tín đồ Hồi giáo, phyle Phật tử…; hoặc nó có thể là văn hóa, chẳng hạn phyle người cuồng văn hóa Trung Quốc cổ, phyle người thích văn hóa Anh thời Victoria, phyle của những wibu,…; hoặc có thể là một sở thích, chẳng hạn phyle những người thích ăn thịt chó, phyle những người cuồng đồ công nghệ, phyle nghiên cứu tâm linh,… Nói chung là cứ có cái gì có thể quy tụ được một cộng đồng đủ lớn xung quanh, nó sẽ có tiềm năng trở thành một phyle.

Cơ mà phyle không chỉ tồn tại dưới dạng các cộng đồng thông thường, mà nó sẽ còn sở hữu một số vùng lãnh thổ riêng. Các vùng lãnh thổ đấy không nhất thiết phải nằm gần nhau, hay thậm chí nằm trong cùng một quốc gia. Một phyle có thể sở hữu một quận ở Tokyo, một huyện ở Bắc Kinh, một dãy nhà ở New York, hay một cái ruộng ở Mozambique, hoặc bất cứ tổ hợp nào trong số các vùng lãnh thổ trên. Trong các vùng lãnh thổ này, “công dân” của các phyle sẽ phải tuân thủ những quy luật riêng, và được hưởng những quyền lợi riêng/chịu hình phạt riêng, không nhất thiết giống với các phyle khác.

Mỗi phyle cũng có thể tự quyết cơ chế quản lý của bản thân cũng như các tiêu chí mà một người phải đáp ứng nếu muốn được trở thành công dân của mình, cơ mà thường thì chúng nó sẽ vận hành và tương tác với nhau cũng tương tự như kiểu các quốc gia dân tộc, với người dân phải cống hiến thuế má theo một cách nào đấy, phải có lực lượng an ninh trật tự riêng, phải dè chừng và ngoại giao với các phyle khác các kiểu. Người dân của các phyle khi rời địa phận phyle của mình thì cũng sẽ phải chơi kiểu nhập gia tùy tục, tuân thủ luật của các vùng lãnh thổ khác mà mình đặt chân vào…

Nói cách khác, các cái phyle này chính là hình mẫu lý tưởng của cái mô hình Nhà Nước Mạng mà thanh niên Balaji đã đề ra.

Vậy tức là một lần nữa, mấy tay doanh nhân công nghệ ở Thung lũng Silicon đã lại học mót Neal Stephenson, mặc dù lần này không phải theo một cách cố ý. Cái thập niên này chắc phải gọi là thập niên của Neal Stephenson quá 🐧.

Đáng chú ý là trong thế giới The Diamond Age và Snow Crash của Stephenson, để mấy cái phyle này tồn tại, ta cần phải có các chính phủ hiện thời gặp khủng hoảng kinh tế và sập hết, đẩy thế giới rơi vào một tình trạng hỗn loạn, xong nhảy thẳng lên một dạng Cyberpunk Dystopia. Cái này kể cũng hợp lý thôi, bởi chừng nào chính phủ còn hiện hữu và nắm thực quyền trong tay, chẳng ai lại đi để cho một thứ về cơ bản là phong trào ly khai tồn tại một cách trắng trợn như vậy trên lãnh thổ của mình. Hy vọng mấy thành phần như Balaji không học Neal Stephenson một cách đến nơi đến chốn, và tìm cách đánh sập nền kinh tế toàn cầu hòng hiện thực hóa mấy cái Nhà Nước Mạng của mình, bởi nhiều khả năng điều ấy sẽ xảy ra khi công nghệ nano vẫn chưa lên đủ tầm để tạo ra Matter Compiler và chu cấp cho nhu cầu cơ bản của thiên hạ, dẫn đến việc thứ chúng ta vơ được sẽ là mấy cái phyle hỗn loạn kiểu CHAZ, nơi dân tình phải lay lắt đi xin thức ăn thay thế thịt thuần chay trong khi một thằng rapper thất bại nào đấy cùng đồng bọn vác AK đi tuần tiễu và xưng vương xưng tướng lắm.

Cơ mà trong trường hợp một phép màu nào đó xảy ra, và các phyle kiểu thiên đường có thể được hình thành theo một cách tương đối hòa bình thì…

10555555****

Nguyễn Lòng Thanh

Vietinbank Chi nhánh Đá Đông

Anh em hãy đô-nết thật nhiệt để mình có vốn mua đất và giúp phyle Imperium Sanctum Scientiae Fictionis gầm ra lửa nhé. Xin cam đoan sẽ không có chuyện mình giở trò mất dạy và cắn đớp phần nọ phần kia tiền tài anh em gửi vào đâu.

Mà là mình sẽ đớp đến xu cuối cùng luôn 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.