Như anh em có thể vẫn nhớ, hồi tháng 2 năm nay, một công ty tên MSCHF đã mua một con rôbốt chó của Boston Dynamics về, gắn một khẩu súng sơn lên lưng nó, đặt nó vào trong một phòng trưng bày nghệ thuật, và sau đó cho thiên hạ thay phiên nhau điều khiển con rôbốt để bắn phá các hiện vật trong phòng.
Lúc biết MSCHF mang chó nhà mình đi làm cái trò đấy, phía Boston Dynamics đã rất bức xúc, lên tiếng phê phán dự án này, bảo rằng MSCHF sử dụng sai nghiêm trọng sản phẩm, và phía Boston Dynamics không muốn dùng công nghệ phục vụ mục đích bạo lực. Tuy nhiên, động thái chỉ trích của Boston Dynamics tình cờ lại giúp sự kiện của MSCHF trở nên thành công hơn, bởi lẽ sở dĩ MSCHF bày trò này là vì muốn chứng minh mọi công nghệ đều có thể bị lạm dụng cho mục đích gian ác, bất chấp ý muốn của người sáng tạo ra nó.
Và tua nhanh tầm 8 tháng sau, tính đúng đắn trong bức thông điệp của MSCHF đã một lần nữa được khẳng định, bởi lẽ đã có người gắn hẳn súng thật cho lũ rôbốt chó đấy.
Cụ thể hơn, hôm thứ ba vừa rồi, Hiệp hội Quân đội Mỹ có tổ chức một hội nghị quân sự ở Washington, D.C. Tham gia sự kiện này là một công ty rôbốt có tên Ghost Robotics, và họ đã hợp tác với tập đoàn vũ khí SWORD International để gắn một khẩu súng trường Creedmoor 6,5mm lên lưng phương tiện di chuyển mặt đất tự động có bốn chân tên là Q-UGV của mình (tức con chó máy của Ghost Robotics). Thành phẩm cuối cùng là một con chó rôbốt rất hầm hố với một khẩu súng trường gắn trên lưng, được gọi là SPUR (viết tắt của Special Purpose Unmanned Rifle, tức Súng trường Không người Trực Chuyên dụng).
Mặc dù Q-UGV của Ghost Robotics nói riêng cũng như công nghệ chó máy nói chung trước đây từng được ứng dụng ngoài thực tế để phục vụ mục đích đảm bảo quốc phòng và an ninh rồi, với tiêu biểu là một màn tập trận với Không lực Mỹ (https://scifivietnam.blogspot.com/2020/09/mot-thu-nghiem-phoi-hop-tac-chien-voi.html), nhắc nhở người dân chấp hành giãn cách xã hội ở Singapore (https://scifivietnam.blogspot.com/2020/06/robot-cho-ung-dung-trong-chan-cuu-o-new.html), và hỗ trợ cảnh sát bang Massachusetts dò phá bom mìn (https://www.washingtonpost.com/technology/2019/11/26/boston-dynamics-terrifying-robotic-dogs-have-been-put-work-by-least-one-police-agency/), đây là lần đầu tiên một con rôbốt cho thực sự được gắn vũ khí sát thương hẳn vào người.
Không ai rõ thực lực của cái con SPUR này (chẳng hạn súng chứa bao nhiêu đạn, tốc độ bắn ra sao, và quy trình nạp đạn dễ khó cỡ nào) cụ thể thế nào hết, nhưng theo phát biểu của Ghost Robotics thì SPUR có thể tự động lên đạn cho súng, tháo mở khóa an toàn, đẩy vỏ đạn rỗng ra, và khi khai hỏa sẽ có thể đạt độ chính xác ở phạm vi hơn 1 km (tương đương phạm vi trung bình của lính bắn tỉa) nhờ các hệ thống hỗ trợ ngắm. Nó cần có người truyền lệnh thì mới bắn được, nhưng có thể tự chạy loanh quanh mà không cần ai lái cả. Thậm chí, ngay cả khi các cảm biến tích hợp khác nhau mà nó sử dụng để giúp “quan sát” môi trường xung quanh có bị lỗi, con rôbốt này vẫn có thể ít nhiều tự xoay xở và hoạt động với hiệu suất chấp nhận được.
Ghost Robotics cho biết họ cũng đang cân nhắc việc tích hợp công nghệ AI vào cho SPUR để nó có thể hoạt động một cách tự chủ hơn nữa, tự mình xác định đâu là mục tiêu tiềm tàng và ngay lập tức tấn công nếu được cho phép, khiến gần như là một người lính rôbốt độc lập thay vì chỉ là một phương tiện điều khiển từ xa.
Việc bọn rôbốt chó được mang ra phục vụ mục đích quân sự kể cũng chẳng có gì bất ngờ lắm. Xét cho cùng, ta đã có các máy bay không người lái sẵn rồi (cả dưới dạng máy bay ném bom cỡ lớn lẫn máy bay trinh thám cỡ nhỏ), thế nên việc có một phiên bản tương tự như thế xuất hiện cho bộ binh chỉ là chuyện một sớm một chiều. Vấn đề hoạt động trên bộ thường khó khăn gấp bội trên không, bởi vì yếu tố địa hình của mặt đất nó lằng nhằng hơn bầu trời rất nhiều. Nhưng vì bước tiến của công nghệ là không thể cản trở, thế nên giờ đây các thách thức của địa hình mặt đất đã được giải quyết ít nhiều, và việc các đơn vị khuyển binh thời đại mới ra đời từ đó là chuyện tất yếu.
Cơ mà kể cũng rợn khi nghĩ đến chuyện mới 70 năm trước thôi, Ray Bradbury hãy còn đang tô vẽ lên một tương lai đầy viển vông về một xã hội tăm tối, nơi chính quyền sẵn sàng tung chó máy ra lùng sục và săn bắt tội phạm trong Fahrenheit 451; hay như gần đây hơn thì có Adrian Tchaikovsky tô vẽ lên các cuộc chiến giữa những cỗ máy chém giết tự động để con người khỏi bẩn tay trong Dogs of War, đi từ rôbốt cho đến những con thú biến đổi gen và trang bị thêm súng ống, như thể chúng là cái gì đó xa xăm lắm. Giờ thì những bước nền tảng đầu tiên đã xong xuôi hết rồi, và chưa biết chừng tầm một hai thập kỷ sau, mấy thứ Bradbury với Tchaikovsky mường tượng ra có khi còn không bì nổi với thực tại của ta nữa kia.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓