Nhân hôm trước vừa nhắc đến chuyện chúng ta đang vô tình làm đúng một việc J. G. Ballard đã làm từ lâu, cả ngoài đời thực lẫn trong các tác phẩm ông sáng tác, mình lại nhớ đến việc cách đây mới mấy hôm thôi, Ballard cũng đã tái xuất giang hồ theo một cách trực diện hơn, có điều lại ít ai ngờ đến hơn. Cụ thể, thứ đã giúp Ballard hồi sinh trong tâm tưởng đại chúng là… sự kiện Met Gala.
Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Met Gala là một sự kiện thường niên của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, nhằm gây quỹ cho Trung tâm Trang phục Anna Wintour của họ. Cái này về cơ bản là một chương trình biểu diễn thời trang khổng lồ, nơi các siêu sao, mẫu thời trang, và người nổi tiếng thuộc đủ mọi nơi trên thế giới quy tụ về và phô diễn những bộ trang phục độc đáo và sành điệu nhất. Đáng chú ý, cứ mỗi năm, ban tổ chức Met Gala sẽ nêu ra một đề tài mang tính mở, và những người tham dự có thể tùy ý sáng tạo phục trang của mình sao cho khớp với đề tài ấy. Và trong sự kiện năm nay, vốn được tổ chức hôm thứ Hai vừa rồi, Met Gala đã chọn chủ đề là thiên nhiên, thời gian, và chu kỳ tái sinh/đổi mới. Toàn bộ cái chủ đề đấy được gói gọn trong một tiêu đề duy nhất: “The Garden of Time”.
Ok, vậy biết Met Gala là cái gì rồi, thế nó liên quan gì đến Ballard?
À thì, anh em vừa nhìn thấy sự liên quan với Ballard của nó ở ngay câu chốt đoạn vừa rồi đó: The Garden of Time.
Cụ thể hơn, The Garden of Time không phải là một thứ do ban tổ chức tự nghĩ ra. Đây là tiêu đề một mẩu truyện ngắn của Ballard, được ông xuất bản vào năm 1962, và bên trong cũng chứa đựng mấy cái theme về thiên nhiên và thời gian như đã nói. Thú vị một điều là câu chuyện lại khai thác mấy cái theme kia theo một hướng nhất định, và nếu biết cái hướng đấy là gì, có lẽ anh em sẽ không khỏi thấy buồn cười trước việc nó lại được chọn làm tiêu đề cho một sự kiện với bản chất như Met Gala.
Trước khi giải thích kỹ hơn lý do sử dụng The Garden of Time làm theme cho Met Gala lại là một việc rất nực cười, mình khuyên anh em nên thử đi tìm đọc nó trước đi. Truyện rất ngắn, chỉ có tầm hơn 5 trang bọ, đọc tầm chục phút là xong. Nếu có anh em nào muốn nghe qua một review về nó, thì cái truyện này đại khái là một tác phẩm ngụ ngôn, với ý tưởng nền hao hao The Masque of the Red Death của Edgar Allan Poe. Tuy nhiên, thay vì có cái kiểu ghê rợn bệnh hoạn đặc sản của Poe, nó lại mang một nét thơ mộng, bình dị, man mác buồn rất lôi cuốn. Các hình ảnh nó dựng lên không có cái kiểu diêm dúa, lòe loẹt, quái đản như Poe, mà lại rất sang trọng, quý phái, thanh thoát. Ngoài ra, dù nếu muốn thì ta cũng có thể diễn giải rằng truyện muốn truyền tải một thông điệp tương tự The Masque of the Red Death, The Garden of Time thực chất lại mang tính mở hơn, cho phép anh em rút ra được rất nhiều thứ từ nó.
Còn với những anh em nào ngại đọc, thì The Garden of Time có nội dung đại khái thế này.
Truyện kể về hai vợ chồng một nhà quý tộc, sống trong một dinh thự sang trọng với một ngôi vườn rất đỗi xinh đẹp. Đặc biệt, ngôi vườn này còn sở hữu một thứ hoa trắng muốt với một quyền năng bí hiểm: cứ mỗi khi một bông hoa ấy được ngắt, nó sẽ khiến cho thời gian quay ngược lại, trong khi vẫn cho phép hai vợ chồng giữ nguyên mọi ký ức. Tùy vào độ lớn của bông hoa mà lượng thời gian được đảo ngược sẽ dài ngắn khác nhau, với những bông lớn có thể đảo ngược được đến hàng ngày liền, trong khi những nụ bé thì cùng lắm chỉ đảo được có vài giây.
Trái ngược với cuộc sống êm đềm bên trong cái dinh thự kia, thế giới bên ngoài lại là một miền đất hoang. Nguy hiểm nhất, sống trên cái miền hoang đó là những người thường dân nghèo nàn, và vì lý do gì đấy, bọn họ đã tụ tập thành cả một đạo quân đông vô ngần, và đang trên đường tràn đến chỗ vợ chồng quý tộc. Không ai rõ đám đông kia có dự định gì với vợ chồng quý tộc, nhưng chắc chắn một điều là ý định của bọn họ không hề tốt đẹp gì.
Tuy nhiên, nhờ mấy bông hoa đã nói ở trên, vợ chồng nhà quý tộc vẫn xoay xở cản được bước chân đám đông này. Cứ sang mỗi ngày mới, người chồng lại ngắt một bông hoa, và thời gian lại tua ngược lại, và đám đông lại bị đẩy ngược về một vị trí nào đó, cách xa cái dinh thự của vợ chồng họ. Ngày này qua tháng nọ, vợ chồng nhà họ cứ tuần tự ngắt hoa, và tiếp tục tận hưởng cuộc sống yên ả của mình.
Nhưng khốn nạn thay, những bông hoa kia không thể cầm chân được đám đông vĩnh viễn. Đây là một thứ hoa lớn rất chậm, có khi phải hàng thập kỷ mới trưởng thành được. Trong khi ấy, mỗi lần một bông hoa lớn được ngắt, thời gian chỉ lùi lại được có vài ngày là cùng. Với tần suất tiêu thụ quá chênh lệch như vậy, số hoa lớn cứ cạn kiệt đi, và dần dần, vợ chồng quý tộc buộc phải ngắt đến cả hoa bé. Thời gian họ câu kéo được thêm cho mình không còn tính bằng ngày nữa, mà nó tính bằng giờ. Thế rồi nó chỉ còn được tính bằng phút. Rồi thì bằng giây.
Và cuối cùng, điều gì phải đến cũng đã đến. Không còn bông hoa nào để ngắt nữa. Không còn gì để đẩy lùi đám đông cả. Họ tràn tới, lao vào trong dinh thự, xộc cả vào khu vườn, và đặt dấu chấm hết cho toàn bộ cuộc đời như trong mộng của hai vợ chồng quý tộc kia cũng như mọi thứ đẹp đẽ họ gìn giữ trong cơ ngơi của mình.
Như đã nói ở trên đấy, The Garden of Time có rất nhiều cách để hiểu. Ta có thể hiểu nó dưới dạng sự không thể tránh khỏi của cái chết, sự phù du của kiếp đời, sự ngớ ngẩn của con người, hoặc bất kỳ cái gì ta muốn. Tuy nhiên, một cách diễn giải phổ biến của câu chuyện này là nhìn nhận nó dưới dạng cuộc xung đột giữa giai cấp giàu - nghèo.
Vợ chồng nhà quý tộc đại diện cho tầng lớp giàu có, được tận hưởng một cuộc sống sung túc, đầy đủ, xa hoa, không phải lo lắng hay bận tâm gì về những vật lộn khó khăn của cuộc đời bên ngoài. Những người dân hình thành đám đông thì là những người đại diện cho tầng lớp dân đen, phải bục mặt bươn chải hòng sống qua ngày đoạn tháng. Không sớm thì muộn, những người cùng khổ trong xã hội sẽ không còn muốn cam chịu số kiếp của mình nữa, và họ sẽ quay ra chĩa mũi dùi vào đám nhà giàu. Những người thuộc giới giàu có thể xoa dịu họ trong ngắn hạn bằng những thứ phù phiếm mà mình có, bao gồm tiền bạc và những cái đẹp vô nghĩa (đại diện bởi những bông hoa), nhưng rồi chẳng mấy chốc, tất cả những chiêu trò đấy sẽ chẳng còn xi nhê gì với người dân cả, và người giàu sẽ bị dân đen nuốt chửng.
Bây giờ, anh em hãy thử đặt cái thông điệp đấy vào trong bối cảnh ngày nay nhé.
Hiện tại thì thế giới nghe chừng đang trên đường đâm đầu xuống hố. Kinh tế thì suy thoái, chiến tranh thì cứ diễn ra liên miên, xung đột xã hội thì đâu đâu cũng có, và còn đủ thứ hầm bà lằng khác như khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng già hóa dân số toàn cầu, khủng hoảng nhà đất,… Liệu những vấn đề này có thực sự nghiêm trọng đến vậy không hay đó chỉ là sự thổi phồng của truyền thông thì rất khó để nói, nhưng có một điều ta có thể thấy rất rõ là nó đã khiến dân tình ở khắp nơi ngày một thấy bất mãn với giới nhà giàu rồi. Cứ trông cái cách phong trào #EatTheRich ngày một lên mạnh, với cái cách chủ nghĩa xã hội hay thậm chí cả chủ nghĩa cộng sản cũng đang ngày một được nhìn nhận với con mắt tích cực hơn thì ta sẽ thấy ngay.
Chẳng cần nói đâu xa, cứ nhìn cách thiên hạ phản ứng trước cái vụ tai nạn tàu ngầm làm chết mất 5 người hồi năm ngoái đấy. Vì ở trên tàu toàn kiểu triệu phú các thứ, và cái chuyến đi đấy cũng chẳng phục vụ mục đích gì ngoài thỏa mãn tính hiếu kỳ cá nhân, hầu như chẳng ai thương tiếc cho các nạn nhân cả. Thậm chí, ta còn thấy phản ứng chủ đạo là một sự móc mỉa đối với những người tử nạn (ngoại trừ thằng cu bị bố ép phải tham gia), chứ chẳng phải là một sự bàng quan đơn thuần.
Và giữa lúc thế giới đang nhiễu nhương, dân đen thì đang ngày một thêm ngứa mắt với giới nhà giàu rồi, ta có cái Met Gala - sự kiện có thể được coi là biểu trưng cho sự giàu có và xa xỉ một cách thừa thãi.
Và trong số tất cả những cái đề tài có thể chọn, cái sự kiện này lại đi bốc lấy một đề tài với cái bài học như đã nói.
Giỏi lắm 🐧.
Rất nghi là cái người chọn đề tài này đang có tư thù gì đấy với ban tổ chức, hoặc là kiểu người đang bất mãn sẵn với người giàu như đã nói, và muốn ngấm ngầm kháy đểu đội này, chứ quả thực khó tin là trần đời lại có ai đem The Garden of Time ra làm đề tài cho Met Gala với thiện chí được.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓