Chuyển đến nội dung chính

J. G. Ballard và một thí nghiệm với AI tạo sinh từ trước kỷ nguyên của AI tạo sinh

 Bữa nay mình mới mò được một bài báo thú vị, xoay quanh một thí nghiệm văn học với AI tạo sinh do J. G. Ballard thực hiện từ tít hồi thập niên 70 này, anh em.

Novelist J.G. Ballard was experimenting with computer-generated poetry 50 years before ChatGPT was invented

J. G. Ballard có lẽ là một cái tên khá lạ với anh em, bởi dạo gần đây thì chẳng thấy mấy ai nhắc đến tên ông cụ nữa. Ngay cả khi có người đề cập đến Ballard, thường thì người đấy cũng sẽ nhắc đến ông dưới dạng tác giả của Empire of the Sun, một cuốn tiểu thuyết văn học kiêm tự truyện được ông viết hồi năm 84, và sau đó đã được Steven Spielberg chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Tuy nhiên, từng có một thời, Ballard đã là một gương mặt có số có má trong làng SFF. Ông đã sáng tác hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết SFF (chủ yếu là các tác phẩm Sci Fi, mặc dù Fantasy cũng không thiếu) với tính văn học rất cao, thường xoáy vào mặt tối của văn minh hiện đại, khắc họa cách thế giới bị sự tiến bộ làm cho ngày một trở nên lạnh lẽo và buồn tẻ hơn, cũng như những ảnh hưởng mà cái thế giới ấy gây ra cho đời sống tâm lý và tinh thần của con người. Cái kiểu văn đấy của ông anh đặc sản đến mức về sau, cả trong giới SFF lẫn giới văn học chính thống, người ta còn nghĩ ra một từ riêng để gọi nó: Ballardian.

Trong số các truyện Ballard từng viết, có một truyện ngắn không hẳn là nổi lắm, nhưng nó lại rất đáng suy ngẫm trong bối cảnh thế giới ngày nay. Tên của nó là Studio 5, The Stars. Đây là một mẩu truyện ngắn được Ballard xuất bản lần đầu hồi năm 1961 trên tạp chí Science Fantasy, và sau này đã được gom vào nhiều tuyển tập truyện ngắn khác nhau. Truyện lấy bối cảnh một thế giới tương lai, nơi con người đã phát minh ra một thứ thiết bị tên “Verse Transcriber,” gọi tắt là “VT.” Đúng như cái tên của mình (“Verse Transcriber” nghĩa là “Máy Chép Thơ”), VT là một thiết bị chuyên sáng tác thơ ca tùy theo yêu cầu của người sử dụng. Tất cả những gì người dùng cần làm là nhập cho nó 1 ít hướng dẫn, cho nó biết bài thơ muốn tạo cần đáp ứng những tiêu chí kỹ thuật gì (chẳng hạn chủ đề là gì, theo thể ra sao, nhịp phách thế nào, có cần kiểu vần vè gì cụ thể không,…), và bấm một nút. Ngay sau đó, VT sẽ nhả ra một bài thơ hoàn chỉnh, đáp ứng đúng cái yêu cầu của người dùng.

Nói cách khác, VT về cơ bản là ChatGPT, có điều tồn tại dưới dạng một thiết bị vật lý, và có tính ứng dụng hẹp hơn hẳn.

Đáng chú ý là không như ChatGPT, các bài thơ mà VT tạo ra có chất lượng rất cao, đến mức các biên tập tạp chí chỉ cần nhìn thấy bài thơ nào có gắn mác VT thôi là có thể đem đi đăng thẳng luôn, chẳng cần qua chỉnh sửa gì nữa. Chính bởi vậy, ngày một nhiều nhà thơ chuyển sang tích hợp VT vào hoạt động sáng tác. Dần dần, vì quá lệ thuộc vào VT, giới thi sĩ ngày một trở nên giống với những người thợ máy, chỉ có tinh chỉnh các yêu cầu kỹ thuật để mớm cho VT thôi chứ không còn chú trọng việc sáng tác thật nữa.

Câu chuyện tất nhiên không chỉ dừng ở đấy, nhưng vì đây là một mẩu truyện khá hấp dẫn, thế nên mình khuyên anh em hãy đi tìm đọc hẳn nó, chứ đừng tìm tóm tắt làm gì. Còn nếu thực sự chỉ muốn biết vắn tắt cái truyện này là thế nào, và thông điệp của nó là gì, thì trong cái bài bên dưới cũng có 1 phần tóm tắt, anh em có thể vào đó ngó thử.

Sở dĩ bài báo này nhắc đến Studio 5, The Stars là bởi vì tình cờ thay, tầm 10 năm sau ngày nó được xuất bản, Ballard lại đã khởi xướng một thử nghiệm văn học đúng y boong những gì mình đã khắc họa trong mẩu truyện đấy.

Số là cách đây ít lâu, David Beer, tác giả của cái bài báo bên dưới, có mua bản audiobook của Miracles of Life - một cuốn tự truyện được Ballard xuất bản hồi năm 2008, đồng thời cũng là cuốn sách cuối cùng ông cho ra mắt trong đời (Ballard mất năm 2009 vì ung thư). Trong lúc nghe cuốn sách, Beer bị hấp dẫn bởi một đoạn nhất định. Cái đoạn này chỉ ngắn thôi, và nó đề cập đến một dự án mà hầu như không ai chú ý tới, được Ballard thực hiện trong giai đoạn làm biên tập tại Ambit (một tạp chí văn học hàng quý, xuất bản từ năm 1959 đến năm 2023). Cụ thể, cái đoạn đó là thế này:

Tôi muốn tờ Ambit có thêm nhiều nội dung khoa học và giảm bớt thơ đi, vì khoa học đang tái định hình thế giới. Sau khi gặp Tiến sĩ Christopher Evans, một nhà tâm lý học công tác tại Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia, tôi đã mời ông ấy đóng góp bài cho Ambit. Chúng tôi đã xuất bản một loạt những bài thơ đặc biệt do máy tính viết, và chúng được Martin khen là hay như thơ thật. Tôi thì còn bạo hơn ông ta, và xin khẳng định rằng chúng đích thị là thơ thật.

Trong suốt cuốn sách, Balllard không lần nào nhắc đến mấy cái bài thơ đấy nữa, và cũng chẳng tả thêm lời nào về cái dự án đó cả. Nhưng vì thấy quá thích thú trước cái ý tưởng từng có nguyên một loạt bài thơ do máy tạo ra từ thời bản thân cái máy tính hãy còn là một công nghệ rất mới mẻ, chứ đừng nói đến mấy thứ mới chỉ xuất hiện trong những năm gần đây như AI tạo sinh, Beer đã lội ngược lại từng số Ambit cũ. Và trong các số tạp chí xuất bản trong giai đoạn 1972 - 1977, Beer đã mò ra được 4 bài nhất định, trông rất giống thành phẩm của cái dự án đấy. Cái đầu tiên là một tuyển tập thơ mang tên The Yellow Back Novels, xuất bản năm 1972; cái thứ hai là một dạng thơ lai truyện gì đấy tên là Machine Gun City, xuất bản năm 1974; cái thứ ba là một dạng biên bản trò chuyện giữa người và máy với tiêu đề Hallo, your computer calling, xuất bản năm 1976; cái chót là The Invisible Years, xuất bản năm 1977, với nội dung cũng na ná thằng Hallo, your computer calling, có điều theo một kiểu dị hơn.

Theo lời Beer, 2 cái tuyển tập đầu là thứ đúng với ý tưởng của dự án nhất, vì chúng nó hầu như do máy tính tạo ra hoàn toàn. Khác với thành phẩm của mấy cái máy VT, tất cả các bài thơ mà máy tính sáng tác đều có chất lượng khá tồi, và Beer thành thực nghi ngờ cái lời khen của Ballard rằng chúng nó ngang hàng thơ thật. Beer cũng bảo rằng chúng nó có một kiểu rập khuôn cực cao, nhìn lướt qua thôi là thấy ngay những “áng thơ” đó chỉ đơn thuần là lắp chữ vào một mẫu công thức nhất định. Và sở dĩ nó trông như thế bởi vì nó… quả thực là như thế. Những câu thơ đó được tạo ra bằng cách bảo máy tính chọn ngẫu nhiên các từ trong một tập hợp từ nhất định, sau đó ghép các từ đấy vào trong một cái template có sẵn. Ngay cả tên tác giả của các bài thơ đó cũng là một tập hợp từ ngẫu nhiên, được lọc ra từ một tập hợp những cái tên thường thấy trong làng Sci Fi.

2 cái sau này thì có vẻ đã được thay đổi hướng đi. Giờ thì Ballard và cộng sự không còn để máy tính tự chế thơ thuần túy nữa, mà họ chuyển sang khám phá xem con người sẽ có thể tạo ra được những tác phẩm như thế nào với sự trợ giúp của máy tính. Riêng với 2 cái này thì Beer nghi ngờ rằng có khi, máy tính thậm chí còn không đóng một vai trò gì trong việc tạo dựng thành phẩm cuối cùng cả, mà đây chỉ là một dạng parody hay châm biếm gì đấy được viết theo kiểu như thể có máy tính góp phần sáng tác. Nhưng vì tính chất xưa cũ của mấy bài báo này, Beer không thể chứng minh được gì hết.

Những tác phẩm này đều có tồn tại dưới dạng nội dung online, và Beer cũng đã đưa ra một số link nguồn trong bài. Đáng tiếc một điều là những cái link Beer cung cấp đều không cho đọc miễn phí, thế nên anh em sẽ chỉ có thể xem được bản preview trang đầu của chúng nó, và sau đấy đành phải chấp nhận tin các lời bình phẩm của Beer thôi.

Nếu coi những gì Beer nói là đúng thì thú vị là lúc ban đầu, Ballard không quan tâm đến chất lượng của sản phẩm được tạo ra, mà chỉ cần biết đây là thơ ra đời từ máy chứ không phải người. Nói cách khác, ông lấy làm trầm trồ trước khả năng kỳ diệu của công nghệ, và thấy rằng chỉ riêng việc công nghệ làm được như thế cũng đã đủ để tạo ra giá trị cho tác phẩm rồi. Ta có thể thấy điều này thông qua cách các bài thơ năm 72 và 74 được để máy tự tay chém ra hết, chứ con người không tham gia vào hỗ trợ sáng tác và chỉnh sửa (mấy).

Nhưng rồi về sau, có vẻ Ballard đã nhận thấy rằng để máy làm từ A đến Z thì tác phẩm có chất lượng quá thấp, và tính mới mẻ của việc quan sát máy tính thực hiện công việc sáng tạo đã không còn đủ để bù đắp cho cái sự tồi tệ của nó. Bởi thế, ông đã nhúng tay vào công việc sáng tác một cách rõ ràng hơn, và điều này khiến cho 2 cái tác phẩm năm 76 và 77 không chỉ đơn thuần là bất cứ thứ gì máy tính phun ra nữa, mà chúng nó là những tác phẩm do con người làm ra với sự hỗ trợ của máy tính. Mấy cái máy tính bây giờ giống với một công cụ, hoặc cùng lắm là một người đồng tác giả, thay vì một thiết bị VT toàn năng, có thể lo liệu hết mọi thứ, và bản thân thì chỉ cần nhấn nút là xong.

Tình cờ thì trong những năm vừa qua, chúng ta cũng đã được chứng kiến mối quan hệ người đời và các con chatbot kiểu ChatGPT trải qua đúng một hành trình “tiến hóa” tương tự. Lúc ChatGPT mới xuất hiện, nó khiến tất thảy cùng mắt chữ O mồm chữ A về cái khả năng “nôn chữ” gần như siêu nhiên của mình, và hầu như tất cả mọi người đều chỉ chú tâm vào cái dữ kiện máy tính đã có thể sáng tạo, chứ không quan tâm đến chất lượng nội dung. Hàng loạt các tác phẩm do ChatGPT sáng tác thuần túy, với sự góp sức rất nhỏ của con người ra đời, và chúng nó liên tục được báo đài tung hê, bất chấp cái chất lượng thậm chí còn dưới trình fan fic của mình.

Nhưng rồi theo thời gian, ChatGPT mất đi cái tính mới mẻ của mình. Mọi người không còn ngạc nhiên trước việc 1 con chatbot có thể phun ra 1,000 trang Epic Fantasy chỉ trong vài ngày nữa, mà bắt đầu thực sự quan tâm đến chất lượng nội dung. Chính thế nên các “tác phẩm” do AI viết hoàn toàn chẳng còn được ai đoái hoài, và đa số mọi người con chủ động tránh xa chúng nó, vì đã biết cái chất lượng của bọn này như thế nào rồi. Thế là bây giờ, dù vẫn không thiếu người tìm cách chèo kéo thiên hạ đọc những thứ do mình dụ cho AI phun ra, đa số những người làm công việc sáng tạo chỉ sử dụng lũ AI dưới dạng một công cụ bổ trợ, tích hợp nội dung nó viết vào với nội dung bản thân viết, để từ đấy cho ra một sản phẩm tốt hơn những gì một mình mình hoặc con AI có thể thực hiện được.

Nói cách khác, kể từ lúc ChatGPT ra mắt đến giờ, tất cả chúng ta đều đã vô tình đi lại đúng con đường Ballard từng đi từ già nửa thế kỷ trước.

Đúng là lịch sử chẳng bao giờ lặp lại, nhưng nó lại hay chứa vần, chứa điệu mà 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.