Chuyển đến nội dung chính

Folio Society và sự hồi sinh nhờ SFF

 Bữa nay mình mới bắt được một bài viết thú vị, xoay quanh cách một trong những tay chơi máu mặt trong làng xuất bản thế giới đã được SFF cứu khỏi thảm kịch dẹp tiệm này, anh em.

TikTok meets Tolkien: how the Folio Society attracted gen Z readers

Anh em nào hay ngó nghiêng thị trường sách ngoại văn thì hẳn chẳng còn lạ gì với cái tên Folio Society (gọi tắt là FS) rồi. Còn với anh em nào chưa biết, mọi người hãy hình dung đây như kiểu một phiên bản Đông A tầm quốc tế, với danh mục đầu sách đa dạng hơn và thậm chí còn ấn tượng hơn hẳn. Cụ thể, cái bên này chuyên làm các ấn bản giới hạn đặc biệt và sưu tầm (hoặc, gọi một cách dân dã hơn, là làm các ấn bản đồ thờ) của các đầu sách nổi tiếng hoặc đã để lại dấu ấn lớn gì đó trong làng văn, với chất lượng tỉ mẩn đến từng milimét. Tất nhiên, đi kèm với cái chất lượng đấy cũng là một quả giá tương xứng, và sách bên này làm toàn có giá tiền triệu (hoặc, nếu dùng đơn vị tính là bảng Anh, thì là tiền trăm) chứ không có chuyện rẻ.

Ngày nay thì thằng FS về cơ bản là vua của phân khúc sách cao cấp rồi, và hầu như quyển nào bên này làm cũng đều đắt như tôm tươi. Cơ mà cái này lại là một diễn biến tương đối gần đây chứ không phải là truyền thống lâu đời của nó.

Số là FS gốc được lập ra với phương châm hoạt động là cho ra mắt “các ấn bản tuyệt tác văn học thế giới, với một định dạng xứng tầm với nội dung, ở một mức giá nằm trong tầm với của người thường.” Cứ theo phương châm đấy, phía FS chủ yếu nhắm vào các tác phẩm văn học kinh điển, kiểu sách truyện của Tolstoy, Dickens, Conrad các thứ. Và trong thời gian đầu, FS cũng kiếm được một lượng khách hàng ổn định, đủ để duy trì nó trong tầm nửa thế kỷ. Cơ mà sang thế kỷ 21 thì tình hình bắt đầu xấu đi. Doanh số bán ra bắt đầu không ổn định và dần tụt giảm, tiền bắt đầu “chảy máu” khỏi công ty. Đến khoảng tầm giữa thập niên 2010, cái tương lai của FS trông khá là ảm đạm.

Nhưng rồi sang năm 2016, sau khi chủ tịch cũ của FS là Robert Gavron qua đời, một chủ tịch mới là Joanna Reynolds lên thay, và bà này đã quyết định cải tổ công ty. Trong số các biện pháp cải tổ Reynolds áp dụng, có một biện pháp là thay đổi tệp khách hàng. Thay vì cố gắng bám lấy cái tệp khách hàng cũ (tệp khách chủ yếu toàn người từ 65 tuổi trở lên), Reynolds tìm cách nhắm vào lứa độc giả trẻ hơn, và đã thực hiện các cuộc thăm dò thị trường xem nhóm này thích cái kiểu sách thế nào. Bất ngờ thay, câu trả lời bà này nhận được là SFF.

Thế là theo lệnh Reynolds, FS lập tức bẻ lái. Các cuốn kinh điển thì vẫn được họ sản xuất, nhưng trọng tâm giờ lại xoay sang SFF. Một loạt ấn bản sưu tập của các đầu sách trong cái ngách này được FS tung ra, với trọng tâm là những cuốn đang làm mưa làm gió trong cộng đồng độc giả. Và những bản sách đấy đã gặt hái được thành công vang dội về mặt tài chính. Giới trẻ hiện tại đang rất ưng cái mảng SFF này, và sẵn sàng xì tiền ra để sưu tập những ấn bản đẹp đẽ của các cuốn sách trong ngách đó. Chính nhờ đây, doanh số FS kể từ năm 2017 đến nay đã tăng 55%, với đầu tàu là các ấn bản của ASOIAF. Riêng năm vừa qua, 3 thằng đem lại doanh số top đều là SFF hết, bao gồm Howl’s Moving Castle, Dune, và Jurassic Park.

Đọc cái bài này mà thấy như đi lạc vào cái vũ trụ nghịch đảo nào vậy, bởi ở Việt Nam, ta lại thấy điều gần như ngược lại. Mấy thằng được đem đi làm bản đặc biệt chủ yếu toàn là thể loại văn học kinh điển, kiểu Sherlock Holmes, Quo Vadis, Bố Già, với Anh em nhà Karamazov. Đôi khi ta cũng thấy một số thằng SFF hoặc có thể được liệt vào hàng SFF được đem sơn son thếp vàng, kiểu Truyện cổ Grimm hay Nghệ nhân và Margarita, cơ mà bọn này lọt được vào danh sách đem đi đắp đồ chỉ theo kiểu ngẫu nhiên chứ không phải bởi cộng đồng độc giả đã thực sự chú ý đến cái mảng này, và đang có một nỗ lực đánh hẳn vào cái mảng đấy từ phía các bên làm sách.

Nguyên nhân thì rất đơn giản: tiền. Như trong trường hợp của FS, đội này phải đánh hơi thấy SFF đang là mảng hút được độc giả, đặc biệt là nhóm độc giả chịu chi, thì mới chuyển hướng đi từ làm văn học kinh điển sang đánh SFF. Tương tự, ở Việt Nam, các bên làm đồ thờ cũng sẽ chỉ thật sự khai thác mảng SFF, thay vì chỉ là các tác phẩm tình-cờ-có-thể-là-SFF, khi họ đánh hơi thấy đây là mảng hái được ra tiền. Cơ mà với cái tình hình SFF mãi cứ lẹt đà lẹt đẹt như hiện tại, khả năng có ông nào đi theo con đường FS nghe mùi không cao cho lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.