Chuyển đến nội dung chính

Rendezvous with Rama - một tác phẩm rất thích hợp đọc kèm Tam Thể

 Nay nhân vụ Tam Thể 1 với 2 tái xuất hiện trên kệ sách sau chuỗi ngày vắng bóng dài dằng dặc, tự nhiên lại nghĩ có một thằng rất nên được đọc nối đuôi nó, bởi vì hai bên sẽ tạo thành một cặp so sánh rất thú vị. Thằng đấy là Rendezvous with Rama.

Review Rendezvous With Rama của Arthur C. Clarke

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Rendezvous with Rama là một cuốn Hard Sci Fi rất nổi tiếng hồi thập niên 70, sáng tác bởi Arthur C. Clarke. Truyện lấy bối cảnh tương lai xa, khi nhân loại đã phát triển được công nghệ khá tân tiến, đủ để họ ra định cư các hành tinh khác, nhưng chưa đến mức cho phép họ rời hệ Mặt Trời. Thế rồi một ngày nọ, một vật thể lạ tự nhiên lù lù tiến vào hệ thống. Mới đầu, con người chỉ tưởng nó là thiên thạch hay gì đấy thôi, nhưng về sau nhận ra nó là vật thể nhân tạo. Không ai hiểu cái cục này vào hệ Mặt Trời để làm gì, và bản thân cái cục đấy cũng chẳng buồn xưng danh hay thậm chí là cho thấy mình để ý đến sự hiện diện của loài người hết. Thế là một biệt đội thám hiểm đã được thành lập, lãnh nhiệm vụ lên cái cục kia để tìm hiểu xem nó là cái gì, và đến đây làm gì. Cả tác phẩm chỉ xoay quanh cái công cuộc tìm hiểu đấy thôi.

Rendezvous with Rama nói chung khá giống với Tam Thể. Thằng này cũng là Hard Sci Fi, với một lượng kiến thức khoa học khổng lồ được nhồi vào truyện và phân tích cực kỳ kỹ lưỡng, quy củ. Điều này dẫn đến việc truyện có một yếu tố khác cũng tương tự với Tam Thể, ấy là có có một giọng văn khô như ngói, lấy miêu tả kỹ thuật làm chủ đạo chứ không có gì văn vẻ bay bướm. Cái cốt chính của nó về cơ bản cũng giống Tam Thể nốt, với ý tưởng trọng tâm là sự xuất hiện của nền văn minh ngoài hành tinh và cách con người sẽ phản ứng với nó.

Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn vào chi tiết, anh em sẽ thấy Rendezvous with Rama lắm khi đi ngược hẳn với Tam Thể. Như ở trong Tam Thể thì ta còn có những xung đột rất rõ ràng, với các bên ta - địch đánh đấm và lừa lọc qua lại liên tục trong suốt chiều dài series. Riêng với Rendezvous with Rama thì xung đột gần như không tồn tại tí gì, từ đầu đến cuối rặt có mấy thành viên đoàn thám hiểm đi loanh quanh bên trong ruột cái cục bay vào Thái Dương Hệ thôi. Có duy một lần là thực sự có một thứ giống với xung đột xảy ra, nhưng nó khá vặt vãnh, và được giải quyết một cách cực kỳ nhanh gọn.

Một điểm khác nữa là bất chấp nhồi khoa học kỹ thuật rất nặng nề, Tam Thể kỳ thực dành một lượng thời gian lớn khủng khiếp cho mảng tâm lý, chính trị, xã hội, với cốt truyện chủ yếu được lèo lái bởi bản chất con người khi bị đặt vào những trường hợp nhất định. Riêng Rendezvous with Rama thì all-in mảng khoa học kỹ thuật luôn. Nó thi thoảng cũng động đến xã hội và tâm lý con người đấy, nhưng những cái đấy được dành thời lượng cực ít, và hầu như không có ảnh hưởng gì đến cốt cả. Thứ đưa đẩy cốt truyện chỉ là một chuỗi các vấn đề kỹ thuật, và các giải pháp cũng như phỏng đoán đối với chúng nó mà thôi.

Và từ cái điểm khác biệt trên, ta có một điểm khác biệt nữa là nhân vật giữa hai thằng. Tất nhiên, sẽ chẳng ai trao cho thanh niên Hân giải Putlizer vì khắc họa nhân vật sâu sắc hay nhân văn gì cả đâu, nhưng bét ra, người trong vũ trụ Tam Thể còn có một tí đa dạng về cá tính, quá khứ, với một số thậm chí còn có chiều sâu và hành trình phát triển rõ rệt. Ngay cả những người tính cách một nốt như Wade ít nhất cũng để lại cho độc giả một ấn tượng rất mạnh, hay ngu như Trình Tâm thì cũng khơi dậy được ở thiên hạ chút cảm xúc, dù rằng đó là một cảm xúc rất tiêu cực. Nhưng sang Rendezvous with Rama, anh em sẽ thấy mình như lạc vào một xứ 2D vậy. Nhân vật trong này phẳng còn hơn tờ giấy, hầu như không có một tí khác biệt nào với nhau cả. Họ cũng chẳng để lại bất kỳ ấn tượng gì cho độc giả hết, ngoài việc làm ta phải lác mắt khâm phục cái tài kể chuyện thuần túy bằng manơcanh của Clarke.

Và cuối cùng, cái khác biệt quan trọng nhất là Tam Thể thì tăm tối vô cùng. Ngay từ cái quyển thứ nhất, anh em đã thấy đây là một cái thế giới của bi kịch và u tối rồi. Càng sang các quyển sau thì độ u tối nó càng tăng dần đều, cho đến khi chốt lại với một cái quyển sặc mùi khủng hoảng hiện sinh, phủ trùm vô vọng lên cả vũ trụ. Nhưng Rendezvous with Rama thì hết sức tươi sáng. Phần đầu của nó cũng mở ra với một thảm họa, nhưng cực kỳ chóng vánh kéo mọi thứ lên theo chiều hướng tích cực. Trong suốt những phần phía sau, hầu như không lúc nào nó tỏ vẻ ủ ê hay bi quan gì hết, cứ niềm nở tươi cười dắt nhau đi thăm chỗ nọ chỗ kia, và chốt lại với một lời hứa hẹn khám phá tràn đầy hy vọng.

Nói chung là nếu đã có kinh nghiệm với Tam Thể, Rendezvous with Rama sẽ mang lại cho anh em một trải nghiệm vừa lạ vừa quen, hấp dẫn lắm đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.