Chuyển đến nội dung chính

Tolkien - một ảnh hưởng cả tốt lẫn xấu đối với Fantasy

 Nhắc đến việc Tolkien tiếp tục bị vắt, lại nhớ đến việc ông cụ là một dạng con dao hai lưỡi đối với cả dòng Fantasy. 

Về mặt tích cực thì nếu không có Tolkien cũng cái bộ huyền thoại Trung Địa của ông, Fantasy sẽ không thể đạt được cái tầm như hôm nay. Trước thời ông cụ thì cái dòng này mang tính rẻ rách rất cao. Các tác phẩm với chất Fantasy quá rõ ràng (tức thoát ly đời thực quá mạnh) thì hay bị coi là truyện cho trẻ nít, hoặc không thì cũng là những câu chuyện phiêu lưu giải trí ba xu. Mấy thằng có chất văn chương cao thì lại mặc nhiên không được coi là Fantasy, bởi vì cái tư tưởng mang tính “không phải người Scotland đích thực” đã nói: Fantasy chỉ có thể là văn hạng hai, và nếu nó không phải là văn hạng hai thì nó không phải là Fantasy.

Nhưng sau khi Tolkien xuất hiện, Fantasy dần được coi trọng hơn. Cái bộ tác phẩm của ông là Fantasy rất rõ, nhưng nó còn là một công trình văn học hết sức đồ sộ, tới mức dù có khinh Fantasy thế nào thì cũng không thể phủ nhận được nó là cả một kỳ tích đáng nể. Truyện của Tolkien đưa Fantasy đến với những bộ phận người đọc rộng hơn, những người không mấy hứng thú với các câu chuyện phiêu lưu mì ăn liền, và dần gậy dựng một cái tiếng tốt cho Fantasy. Giờ đây, dù vẫn còn phải hứng chịu nhiều định kiến, Fantasy đã bắt đầu được coi như một dòng văn nghiêm túc, nơi ta có thể tìm thấy những tác phẩm văn học giá trị.

Tuy nhiên, khốn nạn một cái là chính vì cái tên của Tolkien quá tởm, không ít người lại hay nghĩ Fantasy gói gọn trong Tolkien. Hay nói cụ thể hơn, đối với một bộ phận không nhỏ những người “ngoại đạo,” Fantasy chỉ ra đời với sự xuất hiện của Tolkien, và cái dòng này chỉ toàn các tác phẩm kiểu như Lord of the Rings hay Hobbit.

Đây là một quan niệm cực sai lầm. Fantasy thực chất có tuốt từ lúc văn học còn chưa tồn tại dưới dạng một khái niệm như ta hiểu về nó ngày nay, từ tận khi các dân tộc nghĩ ra những truyền thuyết và thần thoại để giải thích cho các sự vật hiện tượng xung quanh mình. Trên thực tế, bản thân cái bộ thần thoại Trung Địa của Tolkien cũng thó từ rất nhiều thần thoại sẵn có khác, chủ yếu là của Bắc Âu, chứ chẳng phải ông cụ một tay phát minh ra tất cả.

Với cả, như đã nói ở trên đấy, trước thời Tolkien thì thế giới cũng chẳng thiếu Fantasy, chạy từ truyện thiếu nhi cho đến giải trí cùi bắp và cả văn học nghiêm túc (dù rằng mấy thằng văn nghiêm túc ít khi được công nhận là thuộc Fantasy). Kể cả nếu chỉ xét những người sống loanh quanh cái thời của Tolkien, ta cũng có thể nhặt ra cả một rổ tác giả Fantasy không chịu tí ảnh hưởng nào từ ông cụ cả. H. P. Lovecraft, Mervyn Peake, Jorge Luis Borges, L. Sprague de Camp, Robert E. Howard, James Branch Cabell, Lord Dunsany, Hope Mirrlees, Clark Ashton Smith, và còn rất nhiều, rất nhiều người khác nữa. Tất cả những người này đều tham gia sáng tác Fantasy, cả trước lẫn sau khi Tolkien tung ra con trọng pháo Lord of the Rings của mình, và họ đi theo những lối lắm khi còn khác hẳn với Tolkien.

Và tiện nhắc đến các lối đi khác với Tolkien, còn một vấn đề nữa là Tolkien chỉ đại diện cho một ngách nhất định trong Fantasy, ấy là Epic Fantasy. Nếu đi ra khỏi cái chỗ đó, ta sẽ thấy có rất nhiều ngách khác với những nét độc đáo và các “tổ nghề” riêng. Tỉ như nhảy sang Cosmic Horror, ta sẽ truy ngược các tác phẩm của ngách về Lovecraft (không phải ngẫu nhiên mà cái mảng này còn được gọi là Lovecraftian Horror); sang Sword & Sorcery, ta sẽ thấy nó chịu ảnh hưởng của Howard, của Michael Moorcock, hoặc thậm chí còn quay tuốt về thời của những thần thoại truyền miệng về các anh hùng dân gian như Cú Chulainn hoặc các hiệp sĩ bàn tròn; sang Magic Realism thì phải thắp hương lạy Jorge Luis Borges, hay thậm chí có khi còn là William Shakespeare, nếu ta dùng định nghĩa rộng của nó; Fantasy of Manner thì mọc ra từ Mervyn Peake, Weird Fiction thì có Edgar Allan Poe;… Nếu đã từng đọc bất cứ tác phẩm nào từ tất cả những cái ngách này, dù có phải là tác phẩm của tổ nghề hay không, anh em sẽ thấy chúng nó có một danh tính rất riêng biệt so với những gì Tolkien vẽ ra.

Nói chung là Tolkien quả thực đã có công cực lớn với Fantasy đấy, nhưng ông cụ cũng vô tình làm nhận thức của số đông thiên hạ về nó trở nên hơi bị méo mó. Thế nên nếu có bên nào chú trọng làm Fantasy mà không dính dáng đến Epic Fantasy, chắc nên làm một cái quầy tương tự như bên dưới để quảng bá sản phẩm, chỉ có điều thay tên của King thành tên Tolkien thôi.



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.