🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑
9.0/10 (điểm thay đổi tùy thuộc vào độ ưng
Star Wars)
TL;DR
Star Wars, nếu nó là kịch Shakespeare.
GIỚI THIỆU CHUNG
William Shakespeare’s Star Wars là một bộ tiểu
thuyết Science Fantasy do Ian Doescher sáng tác. Đúng như cái tên của nó,
series này là một bản diễn lại câu chuyện của Star Wars, có điều dưới dạng kịch
bản sân khấu, với câu từ và cách trình bày bắt chước phong cách William
Shakespeare. Series tính đến nay gồm 9 quyển tất cả, ứng với 9 phần phim chính
của franchise, và cũng như bản thân cái franchise ấy, nó được chia ra làm 3
trilogy, với thứ tự như sau:
Trilogy chính (dựa trên các phần phim #4-6):
- William Shakespeare’s Star Wars: Verily, a New Hope
- William Shakespeare’s The Empire Striketh Back: Star Wars Part the Fifth
- William Shakespeare’s The Jedi Doth Return: Star Wars Part the Sixth
Trilogy prequel (dựa trên các phần phim #1-3):
- William Shakespeare’s The Phantom of Menace: Star Wars Part the First
- William Shakespeare’s The Clone Army Attacketh: Star Wars Part the Second
- William Shakespeare’s Tragedy of the Sith’s Revenge: Star Wars Part the Third
Trilogy sequel (dựa trên các phần phim #7-9):
- William Shakespeare’s The Force Doth Awaken: Star Wars Part the Seventh
- William Shakespeare’s Jedi the Last: Star Wars Part the Eighth
- William Shakespeare’s The Merry Rise of Skywalker: Star Wars Part the Ninth
Cái review này sẽ chỉ xoay quanh 3 cuốn thuộc
trilogy gốc, ấy là Verily, a New Hope, The Empire Striketh Back, và The Jedi
Doth Return.
MẠCH PHÁT TRIỂN/CỐT
Cái series này tên là William Shakespeare’s
Star Wars, thế nên sẽ có hai vế cần phải bàn đến. Trong phần cốt này, cái vế cần
bàn sẽ là vế Star Wars của nó. Và để bàn về cái vế này, mình trước tiên cần phải
hỏi anh em một câu rất hiển nhiên như sau:
Anh em đã xem Star Wars bao giờ chưa?
Nếu câu trả lời là chưa thì anh em gần như
không có bất kỳ lý do gì để đọc tiếp nữa, bởi toàn bộ cái series William
Shakespeare’s Star Wars này (bao gồm cả 3 phần mình sẽ review lẫn 6 phần khác cấu
thành các trilogy prequel và sequel) về cơ bản sẽ là một mớ giấy lộn với anh
em. Cái bộ truyện này ra đời chỉ thuần túy để phục vụ fan Star Wars, thế nên điều
kiện tối thiểu trước khi vào đọc bất cứ một cuốn nào trong cái series này mà
anh em cần phải thỏa mãn là đã xem cái phần phim ứng với cái quyển đấy đã. Nếu
không xem, khi bước vào trong truyện, anh em sẽ thấy khá là khó bắt kịp các diễn
tiến của câu chuyện.
Nguyên nhân bởi truyện đặt giả định rằng anh
em đã biết các phân cảnh trong phim diễn ra như thế nào, sự kiện gì nối sự kiện
gì, mọi thứ trông ra sao các kiểu con đà điểu, thế nên có nhiều chỗ nó chỉ để gọn
lỏn một hai dòng thông báo đổi cảnh, hoặc bảo cái gì đó đại loại là <nhân vật>
<động từ> <nhân vật>, xong nhảy tót đi chỗ khác luôn. Cái kiểu này
chính ra lại là một nước đi khá thông minh, bởi nó thực sự tạo cảm giác đây thực
sự là kịch bản để đem đi diễn thành kịch thật thật sân khấu, và những cái đoạn
trống trống đấy chính là chỗ các diễn viên tự diễn cũng như bên thiết kế sân khấu
tự dàn bối cảnh sao cho thích hợp. Tuy nhiên, cái này lại khiến cho truyện trở
thành một cửa ngõ tiếp cận với Star Wars rất tồi, và ngay cả với những bức hình
minh họa rải trong khắp truyện, chúng nó cũng rất dễ sẽ khiến một người chưa từng
xem Star Wars cảm thấy mọi thứ cứ rối tinh rối mù lên. Đấy là còn chưa kể có
nhiều chỗ, mấy quyển này còn spoil các tình tiết khá quan trọng sau này, khiến
cho trải nghiệm của anh em với câu chuyện bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chính vì thế, nếu chưa từng xem Star Wars, điều
anh em nên làm không phải là đi đọc kịch bản của nó, mà hãy đi thưởng thức nó ở
cái định dạng đúng chuẩn mà người sáng tạo ra nó muốn mọi người thưởng thức: một
vở kịch do người diễn nghiêm chỉnh trên một sân khấu với mọi thứ được bày biện
sẵn (tức mấy bộ phim mà George Lucas đạo diễn).
Còn với những anh em nào đã xem Star Wars rồi,
thì câu hỏi tiếp theo sẽ là thế này: anh em thích Star Wars đến mức nào?
Nếu câu trả lời là anh em không thích Star
Wars, thì anh em cũng lại chẳng có lý do gì để sờ vào cái bộ truyện này cả. Như
đã nói đấy, cái bộ này thuần túy được viết cho fan Star Wars, và nó lưu giữ gần
như tất tần tật mọi điểm mạnh yếu tồn tại trong các phim gốc. Truyện cũng có một
số nỗ lực giúp cải thiện một số điểm làm hơi vụng của phim, nhưng những nỗ lực
đấy không hề làm thay đổi cái cốt lõi của câu chuyện chút nào: một câu chuyện
phiêu lưu pulp, với cái ruột là Fantasy còn cái mã là Sci Fi, được sinh ra để
giúp thiên hạ giải trí chứ không phải để làm cái gì cao siêu cả. Sẽ không có
chuyện nó khiến anh em thay đổi quan điểm của mình về Star Wars đâu, thế nên
không cần mất thời giờ với nhau làm gì.
Còn nếu câu trả lời là anh em cảm thấy từ
trung tính về Star Wars trở lên, thì cái trải nghiệm của anh em với thằng này
khả năng cao sẽ mang tính tích cực. Đặc biệt, với anh em nào mà vốn dĩ đã thích
Star Wars, thì mấy quyển này phải nói là như mỏ vàng với anh em. Lý do rất đơn
giản: cái câu chuyện được thể hiện trong mấy cuốn sách này về cơ bản là một
phiên bản mượt hơn của một thứ anh em vốn đã có cảm tình sẵn rồi. Truyện gần
như bám sát sàn sạt mọi thứ đã xảy ra trong phim, nhưng vẫn rất khôn khéo tận dụng
một đặc trưng của kịch sân khấu, ấy là cho nhân vật quay hẳn sang phía khán giả
và độc thoại, nói lên hết mọi tâm tư tình cảm ẩn trong lòng mình cũng như triết
lý và bình phẩm về những sự kiện xảy ra, với nhiều đoạn có khi còn gắn ngược
vào với những gì đã xảy ra trong trilogy prequel và thậm chí còn cả ám chỉ về
những gì sắp xảy ra theo một kiểu như thể điềm tiên tri. Điều này khiến cho câu
chuyện chảy trôi mượt mà hơn, đỡ hẳn cái kiểu đôi khi khúc khuỷu gập ghềnh của
mấy bộ phim gốc (chủ yếu bởi vì lúc làm phim, Lucas cũng có trù liệu xa xôi mấy
đâu, làm phần nào thì biết phần đấy thôi).
Cơ mà có một cái vấn đề là cái này là kịch bản
sân khấu, thế nên nó chủ yếu quan tâm đến việc cho anh em đọc thoại của các
nhân vật với nhau, chứ còn những gì mang tính vật lý như đánh nhau, đấm đá, bỏ
chạy, rượt đuổi các kiểu (một trong những phần hấp dẫn nhất của Star Wars) đều
chỉ được rút gọn xuống thành mấy lời hướng dẫn hay ghi chú cụt ngủn, kiểu “đoạn
này thằng A và B đấm nhau, B thắng.” May mắn lắm thì thỉnh thoảng, ta mới thấy
có dàn hợp xướng chui ra và tả lại sơ sơ cái cảnh đánh đấm, hoặc nhân vật bình
phẩm một cách tương đối chi tiết về những sự kiện đang diễn ra, nhưng mấy phần
đấy cũng không thể nào tạo ra được cái kiểu kịch tính nghẹt thở như phim gốc được.
Trong những đoạn thế này, anh em mặc định phải tự sử dụng ký ức của bản thân về
các cái cảnh đấy trong phim để điền vào chỗ trống, chứ không thể trông chờ được
gì vào truyện. Đây cũng là một trong những lý do mà mình bảo anh em nào chưa
xem phim thì đừng phí thời gian đọc cái bộ này làm gì, vì các cảnh của phim là
một phần không thể tách rời đối với trải nghiệm khi đọc các cuốn này. Thiếu đi
chúng nó thì uy lực của truyện giảm xuống chỉ còn phân nửa luôn.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Trong các bài review bình thường, mình toàn tống
phần văn phong vào trong phần cốt luôn, cơ mà vì cái văn của bộ truyện này quá
gắn liền vào với cái ý tưởng nền của nó, và thậm chí còn góp phần định hình
cách ta nhìn nhận về thế giới của Star Wars, thế nên mình chuyển nó xuống dưới
mục này.
Và về văn phong, thì nếu phần cốt là sân chơi
của cái vế Star Wars, phần thế giới sẽ là sân chơi của vế William Shakespeare.
William Shakespeare là ai thì chắc chẳng có
anh em nào còn lạ nữa rồi, và cái kiểu kịch của ông anh được viết theo thứ ngôn
ngữ như thế nào, trình bày theo kiểu hình thức ra sao, thì anh em hẳn cũng
không ít người từng đọc rồi. Còn với anh em nào chưa từng nhìn thấy kiểu văn của
Shakespeare bao giờ, thì đại khái mấy quyển này sẽ được viết dưới dạng như sau:
CHORUS
The instant Alderaan is smash’d to bits,
Luke tries his lightsaber—a keen trainee.
The droids and Wookiee play a game of wits,
But Obi-Wan doth sense catastrophe.
OBI-WAN
[aside:] Now breaks my heart as through the Force I sense
The suffering of many worthy souls.
I know not what this doth portend, and yet
I fear the worst.
LUKE
—Good Sir, how farest thou?
OBI-WAN
Forsooth, a great disturbance in the Force
Have I just felt. ’Twas like a million mouths
Cried out in fear at once, and then were gone,
All hush’d and quiet—silent to the last.
I fear a stroke of evil hath occurr’d.
But thou, good Luke, thy practice recommence.
Tác giả không chỉ giới hạn ở việc biên hết lời
thoại thành tiếng Anh cổ và nhịp thơ iambơ để mô phỏng Shakespeare, mà ông anh
còn chế cháo cả nội dung câu chuyện lại một chút sao cho nó hao hao kịch
Shakespeare hơn, chẳng hạn như việc để Luke parody lại đoạn độc thoại “To be or
not to be” trong Hamlet, chèn mấy cái trò đùa liên quan đến fandom kiểu như Han
hay Greedo mới là người bắn trước vào để thế cho dick joke với ur mom joke, và
để nhân vật bần hèn như Boba Fett nói chuyện bằng văn xuôi chứ không thơ thẩn
gì cả như cách Shakespeare vẫn hay để các nhân vật người hầu nói chuyện kiểu
bình dân hơn. Cá nhân mình thì chẳng phải là chuyên gia gì về Shakespeare, thế
nên không đủ trình xác định xem cái kiểu văn như trên có thực sự khớp hẳn với
cái kiểu của thanh niên Lắc Giáo không. Chắc ngồi phân tích ra thì kiểu gì cũng
sẽ thấy sạn thôi (có khi còn thấy nhan nhản là đằng khác), cơ mà trừ trường hợp
là dân chuyên, anh em sẽ thấy cái kiểu của truyện mô phỏng khá thành công văn
phong của Shakespeare, hoặc ít nhất là cái kiểu văn mà phần đông người bình thường
sẽ nghĩ đến khi nghĩ về Shakespeare.
Nhưng bất kể có thấy cái nỗ lực giả làm Shakespeare
của tác giả thành công đến đâu, anh em hẳn cũng sẽ thấy cái kiểu thơ hóa kịch bản
của phim thế này nó ăn khớp một cách phi thường với thế giới sẵn có của Star
Wars. Bất chấp việc mang tính tương lai rất rõ, với đủ thứ tàu bè bay lượn và
laze bắn pằng chíu, thế giới Star Wars vẫn có một nét Fantasy không thể phủ nhận
được: vũ khí mạnh nhất trong này (tính tầm cá nhân thôi nhé, vì bố thằng nào đú
nổi quả súng của Death Star 🐧 ) không
phải là súng ống, mà là đao kiếm do một nhóm người tự xưng là “hiệp sĩ” sử dụng;
năng lực các nhân vật sử dụng trong này không phải là cái gì khoa học (cho lắm)
mà là một dạng phép thuật ảo ma; và nhắc đến ảo ma, người chết trong này vẫn hiện
hồn về tằng tằng chứ chẳng nằm sàn vĩnh viễn. Trong cái phim gốc, mấy điểm thế
này lắm khi xung khắc với cái mã hiện đại mà Star Wars khoác lên người, nhưng
riêng trong bộ truyện này, chúng nó lại được tôn bật lên bởi thứ ngôn ngữ xưa cổ
dùng để truyền tải câu chuyện. Điều này khiến cho tuy thế giới của truyện vẫn cứ
là cái thiên hà xa xôi, trong một thuở xưa dĩ vãng quen thuộc, nó lại hiện lên
với một bộ mặt mới toanh, tràn đầy một thứ sinh khí mới, khiến ta không khỏi ngỡ
ngàng và không tài nào tin nổi đây vẫn cứ là chốn dạo chơi năm xưa của mình, bất
chấp mọi bằng chứng khẳng định sự thật chính là như thế.
Nhưng tất nhiên, không phải mọi thứ về cách
xây dựng thế giới của cái series này đều hoàn hảo không tì vết. Như đã nói ở
trên đấy, đây được xây dựng dưới dạng một kịch bản một vở kịch sân khấu, và lại
còn là kịch cho một nhóm người mặc nhiên phải biết các thuật ngữ nó sử dụng là
thế nào rồi, thế nên truyện ăn bớt rất nhiều phần miêu tả về cảnh quan các thứ
với giải thích về các cái thuật ngữ dùng trong thế giới này. Cũng giống với các
cảnh đấm nhau của cốt, thỉnh thoảng sẽ có dàn hợp xướng ra bảo hãy tưởng tượng
cảnh hiện tại đang trông thế này, thế nọ, nhưng thường các mô tả đấy khá ngắn,
và không truyền đạt được tốt cái sự ngoạn mục trong thế giới của Star Wars. Anh
em cũng lại một lần nữa phải nhờ ký ức về phim điền vào chỗ trống thôi.
NHÂN VẬT
Không như cái khoản cốt và thế giới, cái khoản
nhân vật được William Shakespeare’s Star Wars cải thiện lên tốt hơn hẳn so với
bản phim, và nó là thứ có thể đứng được độc lập nhất trong cái series này,
không đòi hỏi anh em phải quành lại phim điền vào chỗ trống làm gì cả.
Sở dĩ nó làm được điều này là nhờ cái bản chất
đú kịch Shakespeare của mình. Như anh em có thể đã biết rồi đấy, các vở kịch của
mình, thanh niên Lắc Giáo rất hay để nhân vật quay sang khán giả bình phẩm này
nọ, hoặc đứng độc thoại một thôi một hồi. Trong những màn độc thoại/chém gió với
khán giả đấy, nhân vật sẽ nói toạc ra mọi thứ mình nghĩ trong đầu. Nếu đây mà
là phim, làm vậy thì sẽ rất dễ trở thành “Anakin ơi, chàng đang làm con tim em
tan vỡ đấy,” thế nên thường người ta toàn phải để diễn viên tự dùng biểu cảm với
ngôn ngữ hình thể để thể hiện, mà mấy cái này thì chưa chắc đã truyền đạt được
đúng mức đến cho người xem. Kịch thì không lo khoản đấy, và có thể cứ thế mà tằng
tằng bảo tim vỡ nọ kia thôi.
Điều này dẫn đến việc ta được đi rất sâu vào
trong đầu óc các nhân vật, biết rằng họ đang nghĩ gì ở các cảnh mấu chốt, biết
hết về những e sợ, trăn trở, lo toan, cũng như các diễn biến tình cảm và sự giằng
xé khác họ đang trải qua trong lòng, và khiến các phân cảnh trở nên có sức nặng
hơn hẳn. Tỉ như nhân vật Lando, thanh niên này được cấp cho một đoạn độc thoại
để thể hiện sự chuyển biến nội tâm, khiến hành động của đồng chí trở nên dễ hiểu
và dễ đồng cảm hơn hẳn bản phim, thay vì chỉ đơn giản là cay Vader với simp
Leia. Hoặc như Boba Fett, thay vì chỉ có nhõn 4 lời như trong phim, đồng chí
liên tục có cơ hội được nói lên xúc cảm và ý nghĩ của mình, và ta có thể thấy
rõ hơn hẳn cái chất khôn ngoan sành sỏi và ngạo mạn máu lạnh của thanh niên
này, và thấy hắn xứng đáng với cái danh tiếng trong fandom sau này hơn.
Và tiện nhắc đến việc cấp thêm lời thoại cho mấy
thanh niên Fett với Lando, truyện còn cấp thêm thoại cho những nhân vật không
ai ngờ đến nhất, chủ yếu để tạo ra những tình huống hài hước. Tỉ dụ, anh em còn
nhớ cái cảnh mấy con AT-AT tấn công căn cứ phiến quân trên Hoth không? Trong
cái series này, cái lũ đấy đứa nào đứa nấy cũng có lời thoại riêng, và nói chuyện
với nhau như kiểu anh em đồng chí. Đến cái đoạn bọn nó bị đánh gục, đọc mà
không thể nhịn được cười trước cái sự đau thương thống thiết mà chúng nó dành
cho nhau. Tương tự với bọn này là cái con giun thiên thạch suýt thì nuốt mất
tàu Millennium Falcon. Nó cũng được cấp cho một đoạn độc thoại rất chi là mùi mẫn,
đến mức đọc mà phải phì cười, bởi cái sự nghiêm túc sặc mùi troll mà tác giả đã
làm với cái con đấy.
TỔNG KẾT
William Shakespeare’s Star Wars nhìn chung là
một bản mod với tiêu đề Star Wars: Medieval Redux. Và cũng như với bất kỳ bản
mod nào, nó mặc định yêu cầu anh em cài sẵn base game trong máy thì mới chơi được,
chứ còn người chưa cài game coi như không tồn tại với nó. Nó có một tập khách
hàng cực cụ thể, ấy là fan cứng của Star Wars, và không quan tâm đến bất cứ điều
gì khác ngoài đem lại một trải nghiệm mới mẻ cho nhóm người đấy. Ai đã thích
series này thì sẽ vẫn thấy thích nó, ai trung tính với series thì sẽ thấy đây
là một thí nghiệm văn học thú vị nhưng cũng chưa chắc sẽ có thêm cảm tình gì với
bản thân series, và ai đã không thích series thì tất nhiên sẽ chẳng vì cái bộ
này mà quay xe.
Chính bởi vậy, anh em hãy cứ tự liệu xem bản
thân thấy Star Wars như thế nào, xong rồi hẵng tính đến chuyện sờ vào cái bộ
này nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓