Chuyển đến nội dung chính

Giải Nobel Vật lý 2024 và một lô-gic lạ đời

 Vừa bữa trước nhắc tới việc AI thời nay là cái món hàng nóng tương đương với công nghệ gen của Crichton, nay lại thấy quả có 2 ông làm về AI ăn con Nobel. Kể cũng trùng hợp phết.

Nobel Prize In Physics Goes To Two "Founding Fathers" Of Artificial Intelligence

Chuyện là vừa mấy tiếng trước thôi, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý năm nay. Họ là John Hopfield và Geoffrey Hinton, hai nhà khoa học máy tính với công trình mang tính tiên phong trong mảng mạng thần kinh nhân tạo. Cụ thể hơn, Hopfield thì được trao giải vì đã có công tạo ra một kiểu bộ nhớ liên kết gì đấy, có khả năng lưu trữ và tái tạo hình ảnh cùng các loại mẫu dạng khác từ một khối dữ liệu. Hinton thì ăn giải vì đã phát minh ra một phương pháp có thể tự động tìm kiếm các thuộc tính trong dữ liệu, và dựa vào đấy mà sẽ có thể thực hiện những nhiệm vụ như nhận diện các yếu tố cụ thể trong hình ảnh.

Đến đoạn này, hẳn sẽ có không ít anh em cảm thấy chưng hửng, không hiểu sao mà khoa học máy tính lại nhảy thành khoa học vật lý như thế này. Cơ mà phía Viện Hàn lâm cũng đã lý giải lựa chọn của mình bằng một lô-gic đại khái là: mấy ông này dùng công cụ của vật lý để tiến hành nghiên cứu của mình, từ đấy suy ra, nghiên cứu của họ là nghiên cứu vật lý.

Hoặc, nói cụ thể hơn, Hopfield thì vận dụng những nguyên lý vật lý mô tả đặc tính của vật liệu dựa trên spin nguyên tử của chúng (tức mô-men động lượng nội tại của các hạt cấu thành vật liệu) để từ đấy xây lên cái mạng của mình. Hinton thì vận dụng một thứ gọi là Máy Boltzmann, tức một kỹ thuật trong vật lý thống kê. Mấy cái này hơi bị lằng nhằng, và mình tra cứu một hồi đến ong hết cả đầu rồi mà vẫn ù ù cạc cạc về chúng nó, thế nên anh em nào quan tâm có thể tham khảo cái tuyên bố này của Viện Hàn lâm để lấy từ khóa, xong sau đấy Google thần chưởng về chúng nó nhé: https://www.nobelprize.org/prizes/physics/2024/press-release/

Lẽ đương nhiên, bản thân mình thì quá ngu để có thể hiểu được mấy cái khoa học chuyên sâu thế này, cơ mà không biết anh em thấy thế nào, chứ mình thì thấy quả lô-gic của Viện nghe nó khiên cưỡng vl ra. Nếu chỉ sử dụng công cụ của một ngành trong nghiên cứu là mặc định mọi thứ về cái nghiên cứu ấy đều thuộc vào cái ngành này, thế thì Nobel về cơ bản chỉ có ba hạng mục: Toán, Văn, và Hòa bình. Và trong số 3 thằng này, nếu gò ép lô-gic một cách đủ ngáo, có khi ta sẽ có thể lập luận được rằng cả Toán, Văn, và Hòa bình về cơ bản đều là Toán luôn cơ (thằng Văn dùng lô-gic, mẫu dạng, mô hình, và xác suất để xây câu chuyện, Hòa bình thì cũng là lô-gic với xác suất nốt, hoặc cái gì khác nghe ngu ngu kiểu thế 🐧 ).

Thế nên nói tóm lại, nếu ta đẩy quả lô-gic của Viện đến cái mức kịch cùng, Nobel về cơ bản chỉ là một cái giải toán học to đùng. Thế thì mỗi năm trao phéng cho một ông nào đấy dùng công cụ của toán giỏi nhất, phân chia ra làm gì cho nó lằng nhằng.

Mà thôi, với cái kiểu Bob Dylan còn ăn được giải Văn và Obama còn ăn được Hòa bình thì Hopfield với Hinton ăn Vật lý vẫn còn lô-gic chán.

Mà tiện nhắc đến Bob Dylan, 1 vote Eminem ăn giải Nobel Văn học năm nay nhé. "She foamin' at the lips, the ones between the hips/Pubic hair's lookin' like some sour cream dip" thì bố thằng nào đấu lại được 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.