Sự thật hài hước đằng sau Neuromancer: một kiệt tác cyberpunk được tạo ra từ... nghe lỏm và chém gió
Bữa nay mới vớ được cái ảnh này. Trông quả ảnh mà thấy thanh niên Gibson kể cũng chí lý khi phải tương thêm một pha giải thích về cái kiểu nhẽo của TV ngày xưa vào phần lời nói đầu kể từ hồi thập niên 2010 đổ đi.
Mà kể cũng buồn cười một điều là thực ra, một trong những lý do cái quyển Neuromancer này của Gibson tạo ra được một thế giới chất đến mức tận bây giờ rồi mà đọc lại vẫn thấy sức cuốn hút của nó tồn tại một cách bền bỉ phi thường là vì thanh niên thực chất… mù công nghệ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian hồi năm 2020 (anh em nào muốn đọc đầy đủ thì tham khảo ở đây: https://www.theguardian.com/books/2020/jan/11/william-gibson-i-was-losing-a-sense-of-how-weird-the-real-world-was), chính mồm Gibson đã thừa nhận rằng lý do mình viết được Neuromancer là vì mình nghe lõm bõm vài thuật ngữ chuyên môn từ mồm người khác, xong về chém tung trời dựa trên cái cảm xúc mà mấy thuật ngữ đó gợi lên cho mình chứ không phải dựa trên ý nghĩa thực sự của nó.
Cụ thể hơn, thanh niên đã bộc bạch thế này:
“Thực ra, sở dĩ tôi viết được Neuromancer là vì tôi chẳng biết gì về máy tính hết,” ông nói. “Tôi mù toàn tập luôn ấy. Điều tôi làm là bóc tách cái chất thơ tiềm ẩn trong ngôn ngữ mà những người chuyên về cái mảng này sử dụng. Lúc đi dự hội nghị khoa học viễn tưởng ở Seattle, tôi đứng trong quầy bar ở khách sạn, lắng nghe những lập trình viên đầu tiên mình từng có cơ duyên được gặp chia sẻ về công việc của họ. Nghe họ nói mà tôi thấy như vịt nghe sấm, nhưng đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy người ta dùng từ ‘interface’ dưới dạng một động từ (ghi chú: ‘interface’ là ‘giao diện’, và phiên bản động từ của nó sẽ là ‘tương tác qua giao diện’). Nghe mà tôi ngất ngây luôn. Chu choa, tận những động từ cơ. Thật tình chứ, cái chất thơ của nó mới mỹ miều làm sao.
Thế là, với tư cách một sinh viên khoa văn, tôi vểnh hết tai lên lắng nghe. Tôi bê cái ngôn ngữ đó về, bóc tách nó trên phương diện thi ca, rồi dùng những viên gạch ấy mà xây lên cả một thế giới. Chính vì lý do đấy mà trong Neuromancer, có nhiều tình tiết rất nhăng cuội. Khi tình hình trong không gian mạng trở nên thực sự nguy ngập, Case làm gì nào? Chàng ta đòi lấy một cái modem. Thật luôn! Thanh niên đó nói: ‘Kiếm tôi một cái modem! Tôi đang bỏ mẹ rồi đây này!’ Tôi chẳng biết modem là cái gì, nhưng tôi vừa nghe đến từ đó. Và tôi nghĩ bụng: trời, nghe quyến rũ ghê cơ. Thứ này nghe kiểu cái gì hổ báo nguy hiểm lắm ấy. Mà thời đó tôi có ai để đọc lại cho đâu, và... tôi đâu thể tra Google được.”
Thế nên là, vâng, một trong những tác phẩm nền tảng nhất của Cyberpunk, thứ giúp định hình cách một bộ phận rất lớn dân tình nhìn nhận về tương lai hay thậm chí không gian mạng nói chung, thực chất chỉ là bullshit chồng lên bullshit 🐧.
Nhưng nếu Gibson hồi đấy mà chịu nghiên cứu nghiêm túc hơn, có khi Cyberpunk thời nay đã có một cái hình dạng rất khác rồi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓