Chuyển đến nội dung chính

Từ Jurassic Park đến AI: Cơn sốt vàng công nghệ tái hiện dưới hình thức mới

 Nhân bữa trước có làm bài kỷ niệm vụ InGen phá sản với nhắc đến Asimov, tự nhiên lại nghĩ giờ thì cái môi trường nền mà thanh niên Michael Crichton từng miêu tả trong Jurassic Park vẫn có thể áp dụng được chuẩn đét vào thế giới hiện nay, với chỉ một từ khóa duy nhất cần thay đổi: để cho công nghệ AI thế chỗ công nghệ sinh học.

Như anh em nào từng đọc tiểu thuyết gốc thì hẳn cũng đã biết, trước khi vào truyện, thậm chí cả trước khi đề cập đến cái vụ trẻ con bị sinh vật bí hiểm gì đấy tấn công, Crichton có dành ra nguyên một phần khá dài để bàn về cái cách kỹ thuật di truyền đang được hối hả phát triển, tạo thành một thứ mà ông anh gọi là “cơn sốt vàng khoa học.” Theo lời Crichton, cái công nghệ này có đường phát triển không giống với những thứ công nghệ then chốt thời trước ở ít nhất ba điểm.

Cái thứ nhất là nó được phát triển dàn trải hơn hẳn, với số lượng đơn vị tham gia cuộc đua nghiên cứu cái công nghệ này là hàng ngàn phòng thí nghiệm lớn nhỏ, chứ không chỉ riêng một tổ chức nhà nước nào đấy hay giới hạn trong một nhúm loe ngoe siêu tập đoàn. Thứ hai là nó được áp dụng cho những cái mục đích nghe rất bừa phứa, kiểu tạo ra cá hồi màu nhạt hơn để dễ nhìn thấy trong dòng suối, cây vuông hơn để dễ khai thác gỗ, hay thuốc giúp da người luôn tỏa mùi nước hoa tự nhiên, chứ không phải cái gì hầm hố hết. Thứ ba là các cái nghiên cứu này về cơ bản không có cơ chế kiểm soát nghiêm chỉnh, dù có là luật lá quy định đâu là vùng cấm đâu là vùng ok hay bất cứ cái tổ chức/cá nhân nào đứng ra giám sát các hoạt động của các bên nghiên cứu (hoặc đúng hơn là không có bên giám sát công tâm nào cả, bởi bất kỳ ai biết tí gì về di truyền học đều có chân trong chân ngoài trong các nỗ lực thương mại hóa nó.

Mấy cái yếu tố như trên dẫn đến điều gì? Nó dẫn đến việc ta có một môi trường nơi cứ cách tuần là lại có thông báo về một công ty công nghệ sinh học mới được thành lập, và chơi mọi thủ đoạn để phát triển cái công nghệ này và moi tiền từ nó, không cần quan tâm những gì mình đang làm nó có đạo đức hay không hay có tiềm năng nguy hiểm đến đâu, và chẳng có ai hay quy chuẩn nào kìm đám đấy lại cả. Thằng InGen là một ví dụ điển hình, nhoằng cái được lập ra, kéo tiền đầu tư tỏi đô, bí mật làm thí nghiệm trên đảo vắng mà không cần biết hậu họa, và cũng chẳng bị ai nhòm ngó e hèm cả, xong kết quả ra sao thì anh em biết rồi đấy.

Và giờ nhìn sang cái từ khóa nóng hổi nhất hiện nay, ấy là AI, ta cũng sẽ thấy một tiến trình phát triển tương đối giống thế đang hiện diện. Từ đợt OpenAI demo con ChatGPT với công chúng đến nay, có cảm giác là tuần nào ta cũng được nghe thấy tin một công ty AI mới được thành lập, chèo kéo thiên hạ sử dụng dịch vụ của mình. Đội này chủ yếu toàn kiểu set API call to ChatGPT hoặc bê mấy mô hình mã nguồn mở về train thêm chứ không phải nghiên cứu tử tế gì cho cam, với may mắn lắm thì mới lòi ra được đôi ba ông là nghiên cứu phát triể AI tử tế thật (dù là AI tạo sinh hay các mô hình thuật toán có ứng dụng công nghiệp khác) cơ mà vẫn tạo được một cái thị trường rất là sôi động và bát nháo, với thằng thì mời chào dùng chatbot, thằng thì kêu lại xem AI gen ảnh, đứa thì làm AI tạo giọng,... Nhà đầu tư thì nghe thấy chữ “AI” là bantumlum, tiền vung ra cứ gọi là thoải mái. Tính riêng trong 3 quý đầu năm nay thôi đã có gần 40 thằng gọi vốn được 100 triệu Bai-đần đổ lên rồi (anh em tham khảo danh sách ở đây: https://techcrunch.com/2024/10/11/heres-the-full-list-of-39-us-ai-startups-that-have-raised-100m-or-more-in-2024/), còn mấy thằng tay to máu mặt thì khỏi nói luôn, tiền rót cứ gọi là ào ào cho bộ phận AI mình thành lập/mua lại.

Thêm nữa là mấy cái con hàng AI được tâng bốc kinh nhất lại là lũ AI tạo sinh, mà bọn này thì toàn được đem đi phục vụ toàn những mục đích rất trời ơi đất hỡi. Bên chatbot thì kiểu lên ý tưởng content, lập kế hoạch sự kiện, chém truyện đăng amazon scam khách, bên tạo ảnh thì có làm meme, gen poster rẻ tiền, up mạng xã hội mua hư danh, bên tạo giọng thì làm voiceover cho youtube với audiobook công nghiệp,… chứ hầu như không thấy con nào làm cái trò gì đao to búa lớn cả. Và mấy bên phát triển bọn này thì chỉ có trọng tốc độ với thương mại hóa, dùng mọi thủ đoạn mà tiến chứ bất cần quan tâm cái việc mình làm nó nhập nhèm hay thậm chí tạo tiền lệ nguy hiểm thế nào. Như thằng Microsoft mới đây có sửa điều khoản sử dụng của các dịch vụ mình cung cấp nhằm tạo kẽ hở đủ mập mờ để train AI trên file cá nhân người dùng nếu nó muốn (https://mspoweruser.com/personal-data-to-train-ai/), và thằng Adobe cũng có nước đi tương tự, dù thằng này sau đấy có khẳng định con Firefly sẽ không được huấn luyện dựa trên file cá nhân của người dùng (nhưng đây là Adobe, thế nên bố ai biết được sau này nó thế nào).

Và về phần quản lý với kìm hãm thì, ôi thôi, gần như chẳng có một cái gì tử tế để ghìm cái đám này lại hết. Luật lá thì mãi đến tận bây giờ vẫn chưa có cái gì ra hồn ngoài vài ba cái hướng dẫn rất chung chung và không có tính pháp lý, với cái gần giống nhất với một đạo luật đưa các công ty AI vào khuôn khổ thì cũng bị viết theo cái kiểu hơi bị lôm côm, và cũng vừa mới bị sổ toẹt không cho thông qua xong (https://www.mercurynews.com/2024/10/04/elias-why-not-instead-merely-adopt-asimovs-rules-to-govern-a-i/). Áp dụng luật hiện hành thì hộc hết máu mồm, bởi vì lúc mấy cái luật đấy được viết đã ai nghĩ đến đám AI đâu. Còn về các tổ chức với cá nhân đứng ra giám sát đội này thì chủ yếu toàn tự người dùng làm om sòm lên khi thấy có cái gì đáng ngờ được công bố, chứ chẳng thấy có mấy bên có tổ chức cả. Và ngay cả những gì các bên này hiện có thể làm được cũng chẳng có tí xi nhê gì với các công ty làm AI hết, và đội đấy cứ tằng tằng mà tiến thôi.

Tính đến thời điểm hiện tại thì chủ yếu mấy cái công nghệ AI này chưa gây ra cái gì quá nghiêm trọng trên quy mô lớn như kiểu cái “sự kiện InGen,” cơ mà trông cái cách môi trường phát triển của bọn này hiện đang đi theo một hướng cũng khá tương đồng với những gì Crichton đã tô vẽ trong tác phẩm của mình, kể cũng hơi rén trước những gì đang chờ đợi trong tương lai. Ai biết đâu đấy, có khi tầm vài chục năm nữa, có khi ta sẽ thấy một sự kiện InGen phiên bản AI chứ đùa.

Mà có khi chẳng phải đợi lâu đến thế đâu, vì mảng AI đã có một John Hammond tín như bên dưới rồi cơ mà 🐧.

James Cameron is joining Stability AI’s board of directors


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.