Bữa này mình mới vớ được cái quả clip này, quay cảnh một thanh niên lập trình cái máy thể tích 3D (tức “3D Volumetric Display,” một dạng máy mô phỏng ảnh toàn ký bằng cách cho 1 loạt đèn led quay tít mù lên) để giả thể hiện Doom dưới dạng một trò chơi 3D ngoài đời. Trông ấn tượng phết.
Mà tiện thể hồi chiều có nhắc đến Neuromancer, tự nhiên mình lại nghĩ là nếu bỏ qua cái việc clip nói rõ ràng đây là Doom, cái thứ được trưng ra đây trông khớp với kiểu cái cyberspace trong truyện ra phết chứ chẳng đùa. Gốc thì Gibson nảy ra ý tưởng về cyberspace trong lúc nhìn bọn trẻ con chơi game arcade, và có cảm tưởng bọn này như muốn chui hẳn vào trong cái máy chơi game đấy mà sống (anh em có thể tham khảo chia sẻ về vụ đấy của ông anh ở đây: https://www.theguardian.com/books/2011/sep/22/william-gibson-beyond-cyberspace). Ngay trong bản thân truyện, ông cũng để nhân vật của mình nói hẳn ra là cyberspace gốc đi lên từ các trò chơi arcade nguyên thủy và các chương trình đồ họa thời đầu, thế nên việc không gian cyberspace được thể hiện dưới dạng giống như thế giới của một cái game retro âu cũng là hợp lý.
Thêm vào đó, theo như miêu tả của Gibson thì khi kết nối vào cyberspace, thứ đầu tiên ta sẽ thấy là một nùi hỗn độn “những vệt phốt-pho bạc sôi trào từ rìa không gian, các hình ảnh mơ mơ tỉnh tỉnh giật veo véo qua như thước phim ghép từ những khung hình ngẫu nhiên. Biểu tượng, dáng hình, gương mặt, một vòng mandala mờ ảo và rời rạc do thông tin thị giác hiệp nên”; sau đó đến một cái đĩa xám ngoét xuất hiện, và nó “bắt đầu quay, nhanh dần, biến thành một quả cầu màu xám lợt hơn. Bành trướng mãi - Rồi chảy tràn, nở bung trước mắt hắn, một màn ảo thuật origami nê-ông uyển chuyển, phô mở quê hương vô khoảng cách của hắn, đất nước của hắn, một bàn cờ 3D trong suốt trải dài bất tận. Nội nhãn bừng mở, trông thấy tòa kim tự tháp đỏ xếp cấp, xếp bậc của Cơ quan Phân hạch Bờ Đông rực bỏng đằng sau những khối lập phương xanh lá của Ngân hàng Mitsubishi Mỹ, và tại nơi cao xa vời vợi, hắn thấy những nhánh xoắn ốc của các hệ thống quân sự, mãi nằm ngoài tầm với.”
Cái kiểu nhiễu nhiễu loạn loạn, với mọi hệ thống máy tính đều được thể hiện dưới dạng hình khối, nơi một thực thể số đại diện cho người dùng có thể bước vào để truy cập ngân hàng dữ liệu của chúng nó như thế cũng có phần tương đồng với những gì thể hiện trong cái clip, nơi ta có một nhân vật cấu thành từ thứ trông như dữ liệu số má di chuyển qua một không gian mang tính hình khối, trông cũng giống được cấu thành từ dữ liệu trừu tượng nhiễu loạn nốt. Đặc biệt, cái kiểu cyberspace được khởi động lên cũng bao gồm sự xuất hiện của một cái đĩa, xong nó dần quay vòng để tạo thành khối cầu, và một loạt ánh nê-ông chói lóa nở rộ. Cái này cũng khá giống cái cách mà một máy thể tích 3D khởi động. Anh em có thể ngó thử cái clip này để thấy lúc cái máy đấy đi từ trạng thái tĩnh bật lên là thế nào (cũng để mô phỏng Doom):
Hy vọng Apple khi làm chuyển thể Neuromancer cũng sẽ tạo ra một thứ gì đó kiểu hao hao thế này, chứ đừng cập nhật nó lên thành cái kiểu mịn mượt láng trơn như mấy cái sản phẩm của chính chúng nó. Gì chứ thằng Neuromancer mà tách rời khỏi cái kiểu ảo ảo mơ màng, cổ lỗ sĩ theo những cách lắm lúc nực cười của mình thì uy lực thế giới giảm xuống kinh lắm. Mà thằng này một khi đã hỏng thế giới thì gần như cầm chẳng hỏng luôn toàn bộ, vì cốt với nhân vật của nó cũng có vị mấy đâu.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓