Ngày này 43 năm trước, Jeff Walker, giám đốc một công ty truyền thông phim ảnh, với chuyên môn là tiếp thị về các bộ phim thuộc dòng ngách như SFF, trinh thám, kinh dị, bí ẩn, vân vân…, đã nhận được một bức thư đầy phấn khởi về một bộ phim do hãng phim Ladd thực hiện, bấy giờ đang được mình phụ trách mảng chạy chiến dịch quảng bá.
Bộ phim đấy là Blade Runner, và người gửi bức thư này không ai khác ngoài Philip K. Dick, tác giả cuốn tiểu thuyết gốc của bộ phim chuyển thể này.
Cụ thể, bức thư có nội dung như sau:
Thân gửi Jeff,
Tối nay tôi có vô tình xem chương trình “Hooray For Hollywood” trên kênh 7, và tập này có một phân đoạn nói về BLADE RUNNER. (Ờ thì, nói thực là tôi cũng chẳng vô tình gì đâu; đã có người mách tôi rằng BLADE RUNNER sẽ được nhắc đến trong chương trình và dặn tôi nhớ đón xem.) Jeff à, sau khi xem - đặc biệt là sau khi nghe Harrison Ford bàn về bộ phim - tôi đã rút ra kết luận rằng nó quả thực chẳng phải khoa học giả tưởng (science fiction); kỳ ảo (fantasy) cũng không; mà nó đã được Harrison chỉ đích danh bản chất: một tác phẩm vị lai. BLADE RUNNER chắc chắn sẽ có một ảnh hưởng lớn phi thường, không chỉ đối với công chúng và giới sáng tạo, mà tôi tin là còn cả với mảng khoa học giả tưởng nữa. Vì thân là người đã viết và bán các tác phẩm khoa học giả tưởng được ba mươi năm rồi, tôi coi đây là một chuyện có ý nghĩa không hề nhỏ. Thành thật mà nói, tôi phải thừa nhận rằng trong mấy năm gần đây, cái mảng này của giới chúng tôi cứ xuống cấp dần đều. Mọi thành phẩm chúng tôi đã làm ra được, dù là dưới dạng cá nhân hay tập thể, đều không thể với đến cái tầm của BLADE RUNNER. Nó không đi theo con đường thoát ly thực tại; nó là thực tại siêu cấp, với một mức trần trụi, độ chi tiết, tính chân thực, và, mẹ nó nữa chứ, sức thuyết phục cao đến mức sau khi xem xong phân đoạn đó, tôi đâm thấy cái “thực tại” bình thường hằng ngày của mình mới nhạt nhòa làm sao. Ý tôi ở đây là các anh có lẽ đã chung tay tạo nên một hình thức biểu đạt đồ họa, nghệ thuật mới mẻ và độc đáo, vô tiền khoáng hậu. Và tôi tin BLADE RUNNER sẽ cách mạng hóa các ý niệm chúng ta mang trong đầu về bản chất của khoa học giả tưởng, và thậm chí còn cả về tiềm năng khả dĩ của nó nữa.
Tóm lại là thế này. Bấy lâu nay, khoa học giả tưởng đã dần lún vào một cái chết đơn điệu mà mình không cách nào dứt ra được: chỉ biết lai qua lai lại với nhau, sao chép đạo nhái một màu, tù đọng nhàm tẻ phát sợ. Nhưng bỗng dưng cuộc chơi lại có thêm người tham gia, ấy chính là các anh, những nhân tài xuất chúng nhất thời nay, và thế là giờ đây, chúng tôi đã có một sinh khí mới, một khởi đầu mới. Còn về vai trò của bản thân trong dự án BLADE RUNNER, tôi chỉ có thể nói rằng tôi chẳng tài nào ngờ nổi một tác phẩm hoặc một tập hợp ý tưởng của mình lại có thể được nâng lên tận tầm cao sững sờ đến vậy. BLADE RUNNER đã chứng thực và hoàn thiện cả cuộc đời lẫn sự nghiệp sáng tạo của tôi. Chân thành cảm ơn anh… và phim sẽ là một thành công thương mại vang dội. Nó sẽ trở thành vô địch thiên hạ.
Thân ái,
Philip K. Dick
Thật không may là chỉ khoảng 5 tháng sau khi gửi bức thư này, Dick qua đời vì đột quỵ, trong khi phải tận 3 tháng sau Blade Runner mới công chiếu, thế nên không được chứng kiến cái tác phẩm này trên màn ảnh rộng, và theo dõi cái cách nó tác động đến mọi thứ khác thì lại càng không. Mặc dù Blade Runner rốt cuộc không trở thành một “thành công thương mại vang dội” như ông anh đã dự đoán, nó quả thật đã có sức ảnh hưởng rất mạnh đến với văn hóa đại chúng nói chung và Sci Fi nói riêng, thậm chí còn góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho một khởi đầu mới của Sci Fi: sự hình thành của cái ngách Cyberpunk.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓