Chuyển đến nội dung chính

Foundation & Dune - hai lời phản biện của nhau

 Trong trường hợp anh em chưa biết thì vừa hôm trước, Apple đã tung ra mấy tập đầu của Foundation, bản chuyển thể series Sci Fi đình đám cùng tên của Asimov. Tính đến nay đã khá nhiều bên đưa ra review về nó, và trong số này thì review của thanh niên Daniel Greene bên dưới có vẻ đáng tin cậy nhất, bởi đồng chí biết tác phẩm gốc trông ra sao, và cũng không nhận tiền từ đệ nhà Cúc (chắc thế 🐧 ). Thanh niên phân tích các mặt mạnh yếu của nó xem chừng khá công tâm, và anh em nào có hứng hãy ngó thử nhé.


Tuy nhiên, cái mình muốn bàn ở đây không phải là bản thân cái review này hay đánh giá gì về mấy tập đầu của series hết (vì đã xem đâu mà biết 🐧 ). Cái quan trọng là trong phần comment của clip, có một bạn đã chỉ ra một tình tiết rất thú vị: Foundation có bản chuyển thể ra mắt gần như trùng khít luôn với ngày công chiếu của Dune, trong khi thằng Dune có thể được coi là một lời phản biện ngược đối với các tư tưởng của Foundation.

Thanh niên comment không giải thích cụ thể ý bản thân là như thế nào. Tuy nhiên, khả năng cao nó được dựa trên một phân tích do Timothy O’Reilly thực hiện trong Frank Herbert, cuốn tiểu sử về tác giả của Dune. Trong cuốn sách ấy, O’Reilly đã trích lại một đoạn chỉ trích về Foundation từng được Frank Herbert viết ra trong bài luận của mình. Cụ thể, ông bảo: 

“Lịch sử… được thao túng nhằm phục vụ những mục đích cũng như những lợi ích lớn lao hơn, do một tầng lớp những nhà khoa học quý tộc định đoạt. Căn cứ vào đây, ta có giả định rằng các pháp sư khoa học biết rõ nhất nhân loại nên phát triển theo con đường nào…. Mặc dù trong các câu chuyện này, những điều bất ngờ có thể sẽ xuất hiện (ví dụ: gã dị nhân Mule), ta vẫn có giả định rằng sẽ chẳng một bất ngờ nào đủ lớn hoặc vượt ngoài khả năng tiên liệu tới mức phá tung nổi sự kìm kẹp mạnh mẽ của khoa học đối với số phận con người. Đây thực chất là giả định rằng khoa học có thể tạo ra một tương lai không có gì bất ngờ cho loài người.”

Từ đây, O’Reilly đã rút ra kết luận rằng Dune kỳ thực là một lời phản biện đối với Foundation, lật ngược các mô típ của nó lại để cho thiên hạ có một cái nhìn mới về tương lai mà Foundation vẽ ra.

Phân tích này kể cũng không quá xa sự thật. Dune và Foundation cùng sử dụng mô típ tiên đoán tương lai để làm nền tảng tạo dựng lên câu chuyện của mình, nhưng lại tiếp cận nó theo hai kiểu khác nhau. Bỏ qua những thứ râu ria như Foundation là dùng phân tích xác suất và tâm lý học để dự báo tương lai, còn Dune dùng ưu sinh và năng lực tâm linh để làm việc ấy, cái khác biết lớn nhất giữa hai thằng này là thái độ của chúng nó đối với cái tương lai tiền định kia.

Trong Foundation, viễn cảnh về tương lai do nhà khoa học Hari Sheldon vẽ ra được ca ngợi như một thứ hết sức tốt đẹp, giúp nền văn minh loài người vượt qua kỷ nguyên tăm tối và lên lại đỉnh vinh quang. Những người giúp gìn giữ cái kế hoạch ấy, cụ thể là các nhà khoa học đồ đệ của Sheldon, được tô vẽ như những con người tốt đẹp, và tương lai thế giới nên được để vào tay họ định đoạt. Mọi thứ khiến con người đi lệch khỏi cái viễn cảnh đó đều bị tô vẽ là xấu xa, và những kẻ như Mule, một nhân vật đột biến có thể đạp đổ hoàn toàn kế hoạch này, là một kẻ đại ác cần bị loại trừ.

Trong Dune thì ngược lại, cái viễn cảnh tương lai được trông thấy bởi các nhân vật như Paul Atreides và con trai của thanh niên này, Leto II Atreides, đều hiện ra dưới một dạng rất tăm tối, đầy máu me và bạo lực. Những bên muốn nắm giữ khả năng nhìn thấu tương lai hầu hết đều được tô vẽ như những kẻ tà gian, và bản thân các nhân vật chính khi nắm giữ khả năng này cũng làm những việc rất tàn bạo. Việc vẫy vùng chống lại tương lai, giải phóng con người khỏi sự thao túng của những kẻ như thế được khắc họa như một cuộc chiến chính nghĩa, và những trường hợp dị thường như Leto II (khởi nguồn từ sự ra đời bất ngờ của Paul), dù bị tô vẽ là ác độc, rốt cuộc vẫn là những người thuộc phe tốt. 

Nói cách khác, Dune lấy chính phản diện của Foundation ra làm nhân vật chính, và coi Kế hoạch Sheldon cũng như tương lai con người chịu “ách thống trị” của các nhà toán học/tâm lý học là một thứ đáng ghê tởm.

Việc Dune chọi Foundation chan chát như thế có lẽ không phải là tình cờ đâu. Kể từ khi ra đời hồi những năm 40 và 50 (tính các truyện ngắn thuộc trilogy gốc thôi nhé), Foundation đã có sức ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng đến Sci Fi. Gần như chẳng thằng nào dính đến đế chế thiên hà sau thời Foundation ra mắt mà lại không chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nó, và Dune cũng chẳng phải là ngoại lệ. Trên thực tế, ngoài vụ về tương lai kia, Dune còn rất nhiều điểm khác lấy cảm hứng từ Foundation, và trong group từng có một bài bàn kỹ hơn về vấn đề đó rồi. Nếu quan tâm anh em có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2021/09/su-tuong-ong-giua-dune-va-foundation.html.

Tuy nhiên, dù Frank Herbert chắc hẳn đã nhìn bài Isaac Asimov một tí lúc viết Dune, bảo rằng Dune ra đời là để chỉ trích Foundation thì lại đi hơi quá. Dune là một tác phẩm đứng độc lập, với những theme riêng về tôn giáo, quyền lực, và đủ mọi thứ khác nữa. Nếu có bảo nó là tác phẩm chỉ trích hay cặp đôi với cái gì, thì thứ cần đem ra so sánh đáng lý sẽ phải là Seven Pillars of Wisdom, cuốn tự truyện do Lawrence xứ Ả rập viết, cũng như The Sabres of Paradise, cuốn tiểu thuyết lịch sử của Lesley Blanch. Hai cuốn này có cực kỳ nhiều ý tưởng và mạch phát triển đã được Herbert thó về xào lại, với nhiều chỗ thanh niên thậm chí còn đạo y sì đúc câu văn. Mình từng có mấy bài nhắc đến vụ này rồi, anh em có thể tham khảo thêm ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2020/06/lawrence-xu-rap-mot-nguon-cam-hung-tiem.html và đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2021/06/shamil-sabers-of-paradise-va-bong-dang.html.

Dẫu vậy, Dune với Foundation vẫn có thể là một cặp đôi rất đẹp, và để hai thằng này ra mắt gần nhau như vậy cũng tạo ra một hiệu ứng tương phản thú vị.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.