Chuyển đến nội dung chính

Sự tương đồng giữa Dune và Foundation

 Trong bài về Giải Nebula hồi chiều, mình có nhắc đến thanh niên đầu tiên từng ẵm cái giải ấy ở hạng mục Best Novel, ấy là Dune của Frank Herbert. Tình cờ thì vừa mấy hôm trước, mình có bắt được một cái clip do Quinn's Ideas (một trong những channel uy tín nhất về Dune trên Youtube) thực hiện, so sánh nó với một series cũng cực kỳ kinh điển khác là Foundation của Isaac Asimov. Nay được dịp tranh thủ lôi lên bàn tí.


Dune, hay như bản dịch ở Việt Nam gọi là Xứ Cát, là cái gì thì chắc anh em chẳng còn lạ nữa rồi, nhưng Foundation thì có lẽ hiếm người biết hơn, thế nên mình sẽ giới thiệu sơ qua chút. Foundation là một series 7 tiểu thuyết (gồm 1 trilogy gốc, 2 sequel, và 2 prequel), lấy bối cảnh một thế giới tương lai, khi loài người đã xây dựng được một đế chế vũ trụ vô tiền khoáng hậu, với lãnh thổ bao trùm hàng trăm ngàn hành tinh khác nhau. Đế chế đã tồn tại được cả ngàn năm rồi, và đang trong một thời đại thái bình thịnh trị hứa hẹn sẽ kéo dài cả ngàn năm nữa.

Tuy nhiên, Hari Seldon, một nhà toán học và tâm lý học thiên tài, đã phát triển được một ngành khoa học mới là psychohistory. Cái này về cơ bản là phân tích Big Data, căn cứ vào dữ liệu tâm lý của những nhóm người khổng lồ để tiên liệu tương lai với độ chính xác rất cao. Nhờ psychohistory, Seldon nhận thấy trong vòng vài thế kỷ sắp tới, đế chế loài người sẽ dần suy thoái, rốt cuộc là sụp đổ hoàn toàn. Sự suy tàn của nó sẽ kéo lùi nền văn minh con người vào một kỷ nguyên tăm tối dài 30.000 năm.

Nhưng hy vọng chưa phải mất hẳn. Cũng nhờ psychohistory, Seldon tính được rằng đến gần cuối giai đoạn mông muội kia, một đế chế mới sẽ trỗi dậy. Quan trọng nhất, Seldon thậm chí còn tính ra được rằng nếu chuẩn bị từ sớm, quãng thời gian nằm giữa ngày tàn của đế chế cũ và sự chào đời của đế chế mới có thể được rút xuống chỉ còn tầm 1 thiên niên kỷ. Để đảm bảo điều đó sẽ xảy ra, Seldon đã vạch ra một kế hoạch hành động có tên là Kế hoạch Seldon, và đã thành lập một tổ chức mang tên Foundation để thực thi nó.

Ok, nói sơ sơ vậy thôi. Anh em nào muốn tìm hiểu thêm thì đọc review về series của mình ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-foundation-cua-isaac-asimov.html. Giờ về lại cái clip này.

Theo như phân tích của Quinn, một trong những nét tương đồng dễ nhìn thấy nhất giữa Dune và Foundation nằm ở cách cả hai bên cứ thỉnh thoảng lại thả một trích đoạn trong một cuốn sách “thật” trong thế giới chúng nó vào câu chuyện.

Trong Foundation, gần như mọi chương đều được mở ra với một đoạn dẫn lấy từ Encyclopedia Galactica, một cuốn bách khoa toàn thư chứa đựng mọi kiến thức của nhân loại do các thành viên tổ chức Foundation giai đoạn đầu thực hiện. Ở Dune, ta cũng gặp một điều tương tự, với các chương được mở ra bằng một đoạn trích trong cuốn sách nào đó mà một nhân vật mang tên Công chúa Irulan từng viết, chẳng hạn như Manual of Muad'Dib (sách về Paul Paul Atreides, nhân vật chính của truyện) và My Father's House (tự truyện của công chúa về quãng thời gian sống trong gia đình hoàng tộc Corrino).

Cả hai tác phẩm đều sử dụng những đoạn trích này nhằm xây dựng thế giới theo hai cách: 1) đưa thông tin về lịch sử, danh nhân, địa điểm, văn hóa một cách trực tiếp; và 2) khơi dậy cảm giác thế giới của tác phẩm tồn tại thực, với những công trình văn học và nghiên cứu của riêng mình.

Điểm giống nhau thứ hai giữa hai thanh niên này là cách chúng nó sử dụng thủ pháp đảo dàn nhân vật với nhảy cóc tuyến thời gian để xây dựng câu chuyện.

Foundation là thằng đảo kinh nhất, với ngay trong quyển đầu tiên thôi mà truyện đã nhảy chồm chồm tận vài trăm năm, kể lại qua góc nhìn của tận 3, 4 dàn nhân vật gần như chẳng dính dáng gì đến nhau cả. Cái style này kéo dài suốt 3 quyển trong trilogy gốc, và chỉ đến sang mấy quyển sequel bôi ra sau này thì mới giữ im nhân vật.

Dune thì đỡ hơn, với quyển đầu tiên bám đúng chuẩn tiểu thuyết bình thường, dùng đúng một dàn nhân vật, và không nhảy cóc gì quá xa. Chỉ đến giữa quyển này với quyển kia thì nó mới bắt đầu nhảy cóc, và thỉnh thoảng cũng thay nhân vật, mặc dù không đến nỗi tởm như Foundation (trừ Heretics of Dune, vì thằng này chân dài vkl <(“) ).

Cả hai series làm thế bởi vì các tác giả muốn khắc họa sự thăng trầm của cái đế chế mình đã dựng ra, cũng như cho thấy hệ lụy về lâu về dài của các quyết định mà những nhân vật trong tác phẩm từng thực hiện hoặc cái triết lý họ muốn theo đuổi. Mấy điều này mà để diễn ra chỉ trong một sớm một chiều thì nghe điêu kinh khủng, mà nếu cứ lết dăm ba năm một thì đến lúc Martin rặn xong Gió Mùa cũng chẳng có thay đổi gì lớn lao hết, thế nên bắt buộc phải làm kiểu kia.

Cái điểm tiếp theo mà cả hai cùng chia sẻ là cách bọn nó lấy cảm hứng rất nhiều từ một đế chế có thật trong lịch sử, ấy là đế chế La Mã.

Foundation là thanh niên “đạo” La Mã một cách trắng trợn nhất, với toàn bộ cách vận hành của bộ máy chính trị và tiến trình suy thoái của nó diễn ra y hệt như La Mã. Asimov thậm chí còn công khai chia sẻ rằng ý tưởng xây dựng lên Foundation và khắc họa hành trình suy tàn cũng như tái sinh của đế chế loài người của ông đến từ bộ sách lịch sử The Decline and Fall of the Roman Empire huyền thoại do Edward Gibbon viết. Số là hồi còn học cao học, Asimov có hẹn với John Campbell (chủ biên tạp chí Astounding Science Fiction) sẽ trình cho ông ý tưởng truyện mới. Khổ nỗi thanh niên đến tận hôm hẹn vẫn chẳng nghĩ ra cái gì, và quyết định vào thư viện vớ bừa lấy một quyển sách để xem có rặn ra được gì không. Thứ ông anh tìm được là một tuyển tập kịch của Gilbert và Sullivan, và sau vài pha ngẫm ngợi lan man, Asimov nhớ đến Đế chế La Mã cùng bộ sách đã nói của Edward Gibbon, và quyết định sẽ bê hết tất cả ra ngoài vũ trụ.

Dune thì kín hơn, ra đời vì Herbert mê mấy cái đụn cát và muốn làm một cái diss track dành cho hình mẫu anh hùng tôn giáo và sự cuồng tín hơn là remix lịch sử như Foundation. Dẫu vậy cái đế chế vũ trụ trong này cũng trông rõ là thó La Mã. Cũng như Đế chế La Mã, cái triều đại của Hoàng đế Shaddam IV đã ngủ quên trên chiến thắng, rơi vào sa đọa và hưởng lạc, khiến đất nước trở nên suy yếu, quân đội thì nhu nhược. Chính từ sự yếu kém này, cả La Mã lẫn triều đại của Shaddam IV đều đi đến nước đường lụi tàn, với một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là sự trỗi dậy của một đội quân mọi rợ nằm ở vùng lãnh thổ sát rìa biên cương.

Thêm một điểm tương đồng nữa là thế giới của cả Foundation lẫn Dune đều có sự xuất hiện của một thực thể hết sức hùng mạnh, tác động đến tiến trình phát triển của nền văn minh.

Trong trường hợp của Foundation, thực thể này là R. Daneel Olivaw, một con rôbốt từ một series khác cũng nằm trong vũ trụ Foundation, có điều tít tận mấy ngàn năm trước khi các sự kiện của Foundation xảy ra. Con rôbốt này đã ngấm ngầm điều hướng vận mệnh của toàn bộ nhân loại như một người điều khiển rối đằng sau cánh gà, trực tiếp hoặc gián tiếp thúc cho mọi sự kiện lớn của series xảy ra. Trên thực tế, psychohistory, thứ đã khơi mở toàn bộ series Foundation, cũng do nó nhúng tay vào mà mới ra đời được. Nản mỗi cái là cách thằng Olivaw được giới thiệu vào câu chuyện lúc gần cuối, theo một kiểu nghe rất cồng kềnh, chủ yếu bởi vì Asimov muốn gò cho các cái truyện không liên quan của mình được chập chung vào một cái vũ trụ tổng thể.

Trong Dune thì thực thể này là Leto II Atreides, con trai của Paul Atreides. Cũng như Olivaw, Leto II được giới thiệu vào khá muộn trong series, và cũng lèo lái lịch sử nhằm đảm bảo tương lai cho nhân loại. Thậm chí, Leto II còn giống Olivaw ở điểm di sản cả hai để lại đều dang dở, bởi vì tác giả qua đời trước khi khép lại series (mặc dù về sau Dune được con của Herbert khép lại hộ). Tuy nhiên, Leto II được cái là không bị nhồi nhét một cách cồng kềnh như Olivaw, mà là một sự kế thừa tự nhiên hơn hẳn. Thanh niên cũng khác với con rôbốt kia ở kiểu có một cách tiếp cận trực diện gấp bội, thậm chí còn có thể gọi là cục súc hơn nữa. Leto II lên ngôi Hoàng đế, đè dí dị tất cả mọi phe phái khác dưới quyền lực của mình, trở thành một kẻ độc tài ở một cấp độ chưa từng có trong lịch sử con người.

Điểm giống nhau cuối cùng mà clip bàn đến là việc Foundation và Dune đều để cho khả năng tiên đoán tương lai là một phần cốt lõi cho câu chuyện của mình.

Ở Foundation, cái khả năng tiên đoán tương lai này chính là cái bộ môn psychohistory đã nhắc đến ở đoạn đầu. Nó thực ra không hẳn là tiên đoán, mà chỉ đơn thuần là quy đổi tất cả những thứ cấu thành tâm lý con người ra thành một biến số, và lắp chúng nó vào một phương trình hết sức lằng nhằng mà tính. Kết quả thu được sẽ là xác suất xảy ra của các hành động khả dĩ mà nhân loại có thể sẽ thực hiện, và thằng có xác suất cao nhất sẽ chính là tương lai. Cái khó của psychohistory là nó chỉ nhìn được tương lai nếu dữ liệu đầu vào đủ lớn (số liệu phải thu thập từ một lượng dân tương đương dân số của một hành tinh), chứ đoán số phận của các cá nhân nhỏ lẻ thì chịu chết.

Trong Dune, khả năng tiên đoán được diễn tả theo một cách truyền thống hơn, được diễn tả dưới dạng một khả năng ngoại cảm có tên là prescience. Chỉ một số cá nhân sở hữu những biến đổi về gen nhất định mới có thể dùng được prescience, trong đó tiêu biểu là đám Guild Navigator (đột biến nhân tạo) và Paul Atreides (sinh sản chọn lọc) cùng con là Leto II. Cũng như psychohistory, prescience không đưa ra một tương lai duy nhất, mà nó chỉ trưng ra hàng loạt các tương lai tiềm tàng, và người nắm giữ khả năng prescience có thể tìm cách hướng hiện tại theo một con đường nhất định nào đó. Chỉ có điều prescience không đòi hỏi dữ liệu đầu vào lớn, và nó được khắc họa như một thứ xấu xa, với Leto II về sau còn tìm cách sản sinh ra một chủng người không thể bị prescience nhìn thấu tương lai để đảm bảo con người không bao giờ trở thành nô lệ cho các cá nhân với năng lực prescience nữa.

Cái này clip nhìn chung cũng có khơ khớ sạn, với tiêu biểu là việc Quinn bảo Leto II là phiên bản đạo của Olivaw, trong khi nhân vật Olivaw chỉ chường mặt vào vũ trụ của Foundation tít tận 35 năm sau khi trilogy gốc kết thúc. Điều đấy đồng nghĩa với phải 10 năm sau khi Leto II trở thành nhân vật chính của vũ trụ Dune trong cuốn Children of Dune (hoặc 5 năm sau khi thanh niên này trở thành kẻ độc tài trong God Emperor of Dune) thì thiên hạ mới biết Olivaw là người giật dây mọi thứ của Foundation. Xét chuẩn ra, nếu có ai copy ai, ta phải nói là Asimov copy Herbert mới đúng.

Bất chấp điều đó, nó nhìn chung cũng cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về thế giới của hai tác phẩm này, cũng như điểm lại những nét tương đồng (hoặc do vô tình, hoặc là hữu ý) giữa hai tác phẩm có thể nói là đồ sộ nhất trong làng Sci Fi. Anh em vẫn nên ngó qua nhé.

Và nếu quan tâm đến một so sánh sâu hơn về Dune với Foundation, mọi người có thể tham khảo nghiên cứu mà John L. Grigsby từng xuất bản trên Science Fiction Studies, một tạp chí học thuật chuyên phân tích dòng Sci Fi: https://www.jstor.org/stable/4239405?seq=1. Ngoài đó ra thì mọi người cũng nên ngó qua một chương trích trong cuốn tiểu sử về Frank Herbert do Timothy O’Reilly viết, trong đấy có đề cập đến cách Frank Herbert vay mượn và biến tấu từ Foundation để tạo ra Dune: https://www.oreilly.com/tim/herbert/ch05.html.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.