Chuyển đến nội dung chính

Kính viễn vọng vô tuyến tại Đài thiên văn Arecibo vừa bị sụp đổ

 Cách đây mấy bữa, cộng đồng khoa học với làng Sci Fi vừa có một phen rúng động. Nguyên do là bởi một nhân vật đình đám từng thủ vai trong bộ phim Sci Fi Contact kinh điển cũng như từng đóng góp rất nhiều cho công cuộc khám phá vũ trụ vừa mới qua đời.

Gut-wrenching footage documents Arecibo telescope’s collapse

Nhân vật được nhắc đến ở đây là kính viễn vọng vô tuyến tại Đài thiên văn Arecibo, nằm ở Puerto Rico. Nó bao gồm một đĩa phản xạ hình cầu được xây trong một hố sụt tự nhiên, và treo lơ lửng cách đĩa phản xạ 150m là một bộ thu nhận sóng kèm thiết bị phát rađa. Suốt 53 năm liền, Arecibo giữ ngôi vị kính thiên văn một đĩa với khẩu độ lớn nhất thế giới, cho đến khi bị một kính viễn vọng với thiết kế tương tự mang tên FAST của Trung Quốc vượt mặt vào tháng 7/2016. Arecibo đã có rất nhiều đóng góp lớn cho thiên văn học vô tuyến, với tiêu biểu là góp phần ghi nhận một kiểu sao mới mà nay ta gọi là sao xung, giúp hai nhà khoa học Russell A. Hulse và Joseph H. Taylor Con đoạt giải Nobel Vật lý năm 1993.

Trong mấy năm trở lại đây, tình hình sức khỏe của Arecibo cứ gặp vấn đề liên miên, với nặng nhất là một lần dính bão Maria vào năm 2017 và 2 lần ăn động đất vào năm 2019 và 2020. Kết hợp với việc kinh phí để duy trì nó cứ bị cắt dần cắt mòn kể từ năm 2007 đến nay, Arecibo bắt đầu trở nên rệu rã. Trong năm nay, bộ thu nhận của nó đã gặp hai vụ đứt cáp đỡ, một là vào tháng 8 và một là vào tháng 11 mới đây. Dù bộ thu vẫn còn được hỗ trợ bởi một số dây cáp khác, chẳng ai biết sức bền của chúng nó là thế nào cả, và cái bộ thu luôn ở trong tình trạng rơi xuống đến nơi.

Vì nguy cơ đứt cáp bất thình lình quá cao, đài thiên văn không thể đánh liều cho người đi sửa nó được, chưa kể chi phí của việc sửa chữa vượt ngoài khả năng chi trả của họ. Thế là vào ngày 19/11, họ đã thông báo sẽ cho kính thiên văn ngừng hoạt động vĩnh viễn và triển khai tháo dỡ nó. Nhân sự làm việc tại đài cũng được di dời sang các cơ sở khác hết để tránh xảy ra thiệt hại không mong muốn. 

Tuy nhiên, trước khi bên đài thiên văn chốt xong phương án giải quyết cái kính thiên văn, chỗ cáp còn lại đã không còn chịu nổi nữa, và vào lúc 7:55 sáng ngày 1/12 theo giờ địa phương, cả khối bộ thu ấy đã rơi xuống đĩa. Một số tòa nhà gần đó, bao gồm cả phòng điều khiển và trung tâm du khách, có bị ảnh hưởng một chút nhưng không hề hấn mấy. Tuy nhiên, một trung tâm giáo dục xem chừng đã bị hư hại nặng.

Ban quản lý đài thiên văn cho biết họ sẽ tiếp tục trả lương cho nhân viên tại đài quan sát và để họ tiếp tục nghiên cứu khoa học tại các cơ sở khác. Về phần bản thân Kính thiên văn Arecibo thì họ cũng chưa rõ sẽ xử lý thế nào, phá bỏ hoàn toàn hay xây dựng lại hay để nguyên đống đổ nát đấy như một di tích tưởng niệm. Tất cả phụ thuộc vào việc liệu họ có thiết lập được một cơ sở nào tương tự hay thậm chí là tốt hơn nó tại đấy hoặc đâu đó gần đấy không, và quan trọng nhất là liệu Quốc hội Mỹ có sẵn sàng chi tiền để họ làm gì không.

Dù gì thì gì, với sự qua đời của Arecibo, thế giới ngày nay chỉ còn duy nhất một kính viễn vọng vô tuyến một chảo khổng lồ, ấy là thanh niên FAST mà mình đã nhắc đến ở trên. FAST chỉ vừa mới đi vào hoạt động đầu năm nay, và phải sang năm thì các nhà khoa học trên ngoài Trung Quốc mới được tiếp cận với dữ liệu của nó. Mình từng giới thiệu qua về cái kính viễn vọng này trong group rồi, mọi người có thể đọc thêm về nó ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2019/10/fast-mot-chao-thien-van-quen-en-la-cua.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.