Chuyển đến nội dung chính

Một lý giải tiềm tàng đằng sau khí hậu trong Game of Thrones

 Hẳn mọi người ai cũng đã biết là group chúng ta đang tổ chức một mini game đoán ai sẽ chết đầu tiên trong tập Game of Thrones tiếp theo, với phần thưởng là cuốn Tam thể tập 2. Mình chọn series đó một phần là bởi muốn có chỗ để bàn về trận tử chiến sắp tới (mặc dù có vẻ fail vì đại đa số không xem 🐧 ), một phần là bởi Game of Thrones và Tam thể đều có chung một điểm tương đồng: cả hai đều có một thế giới gặp phải vấn đề tam thể (three body problem).


Thế giới Westeros của Game of Thrones có một đặc điểm rất kỳ lạ, đó là chẳng ai biết được mùa màng sẽ thay đổi như thế nào. Mùa hè có thể kéo dài hàng chục năm, thậm chí trải dài mấy thế hệ, và không ai biết lúc nào nó sẽ kết thúc. Tương tự, mùa đông cũng có thể ập đến rất bất thình lình, chẳng tài nào đoán được, và nó kéo dài bao lâu thì có trời mới biết.

Vấn đề này đã từng được một nhóm nghiên cứu sinh tại Khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Johns Hopkins nghiên cứu. Trong báo cáo “Winter is coming” (tên trích nguyên văn) của mình, họ đã liệt kê ra một số lời giải thích tiềm tàng như do hành tinh có trục nghiêng bất thường, quỹ đạo không ổn định, và chất ô nhiễm (phép thuật cũng được liệt kê, nhưng họ chốt thẳng luôn là như thế thì khỏi cần nói gì nữa rồi 🐧 ) nhưng tất cả đều bị coi là không khả thi. Thay vào đó, họ đưa ra kết luận là hành tinh chứa Westeros chắc chắn đang gặp phải vấn đề tam thể, bởi lẽ nó quay quanh ít nhất hai mặt trời khác nhau.

Giả thuyết này thậm chí còn được chính series ủng hộ. Trong một tập ở season 7, tại một thư viện chứa đầy sách quý ở Westeros, có một cảnh quay lướt một cuốn sách để mở to đùng. Một thành viên trên reddit đã chụp được lại trang sách ấy (https://www.reddit.com/r/freefolk/comments/6nqt62/did_anyone_catch_the_possible_explanation_for_the/), và trên đó vẽ sơ đồ một hành tinh với quỹ đạo quay quanh 2 ngôi sao thật.

Đây cũng chính là vấn đề nền tảng trong bộ truyện Tam thể. Truyện có một hành tinh gọi là Trisolaris, và đúng với cái tên của nó ("tri", "solar"), hành tinh này quay quanh tận những ba mặt trời, thế nên khí hậu của nó biến đổi một cách cực kỳ khó đoán định, lúc thì nóng như lửa đốt, lúc thì lạnh thấu xương.

Như mọi người thấy đấy, một bài toán vật lý hóc bùa lại trở thành một cây cầu nối đầy bất ngờ giữa 2 tác phẩm có thể nói là nằm ở hai thái cực đối lập hoàn toàn. Nếu một ngày nào đó bro Martin viết dứt điểm được cái series này (chắc khi Conan học hết cấp 1 🐧 ) và vẫn còn dư dả chút thời gian, hy vọng đại ca sẽ cùng ngồi xuống với Lưu Từ Hân để viết một mẩu truyện ngắn hay gì đó cho hai tác phẩm này crossover với nhau.

Nhưng chữ NẾU ấy to lắm 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.