🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑 7.0/10
TL;DR
Lẩu SFF tạp chủng, hương vị Nhật Bản.
GIỚI THIỆU CHUNG
Speculative Japan là một series tuyển tập truyện ngắn SFF do các tác giả Nhật sáng tác, được dịch ra tiếng Anh và xuất bản bởi Kurodahan Press trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2015. Gốc thì cái này là một dự án do một biên tập viên tạp chí SFF người Mỹ sống ở Nhật tên là Gene Van Troyer khởi xướng và phối hợp thực hiện với Grania Davis, một biên tập viên SFF khác ở Mỹ, nhằm giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của Sci Fi Nhật Bản đến với độc giả Mỹ nói riêng và quốc tế nói chung. Tuyển tập đầu tiên mà họ thực hiện chứa không chỉ các truyện ngắn mà còn cả một vài bài luận về tình hình dòng văn SFF tại Nhật Bản, sự khác biệt giữa SFF Nhật và SFF Âu-Mỹ, và cái khó của việc dịch văn Nhật sang tiếng Anh. Tuyển tập đấy lần đầu vào năm 2007, tại hội nghị SFF lớn nhất thế giới ấy chính là Worldcon, bấy giờ được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản, và sau đó được phát hành rộng rãi trên toàn cầu.
Sau khi ra mắt, tuyển tập nhận được sự đón nhận rất tích cực từ độc giả, thế nên hai biên tập kia cùng nhà xuất bản chốt sẽ triển tiếp các tuyển tập khác. Không may là 2009, Troyer mất vì ung thư, thế nên Edward Lipsett, một dịch giả tiếng Nhật người Mỹ, đã đứng ra tiếp quản vị trí biên tập chính. Dưới sự điều phối của Lipsett, series sau đó tiếp tục ra thêm 3 tuyển tập nữa, nâng tổng số tuyển tập tính đến thời điểm hiện tại lên thành 4. Trong tuyển tập thứ tư, không thấy người ta đả động gì đến việc sẽ ngưng xuất bản series này cả, nhưng đến nay đã hơn chục năm trôi qua, và vào năm 2022 thì Kurodahan Press đã ngưng hoạt động, thế nên gần như chắc chắn rằng cái series Speculative Japan này hiện đã khép hẳn lại rồi.
Về các truyện trong series, chúng bao gồm những tập và các nội dung (không kể lời nói đầu) như sau:
- Speculative Japan: Outstanding Tales of Japanese Science Fiction and Fantasy
- Judy-san - Judith Merril, 1923-1997 (bài luận) - Grania Davis
- Introduction: Phase Shifting (bài luận) - Gene Van Troyer
- Collective Reason: A Proposal (『集団理性』の提唱) (bài luận) - Takumi Shibano (dịch bởi Xavier Bensky)
- The Savage Mouth (凶暴な口) - Komatsu Sakyō (dịch bởi Judith Merril)
- A Time for Revolution (革命のとき) - Hirai Kazumasa (dịch bởi David Aylward)
- Hikari (光) - Tensei Kono (dịch bởi Dana Lewis)
- I'll Get Rid of Your Discontent (不満処理します) - Mayumura Taku (dịch bởi M. Hattori & Grania Davis)
- The Road to the Sea (魔法使いの夏) - Takashi Ishikawa (dịch bởi Judith Merill & Tetsu Yano)
- Where Do the Birds Fly Now (鳥はいまどこを飛ぶか) - Yamano Koichi (dịch bởi Dana Lewis)
- Another Prince of Wales (プリンス・オブ・ウェールズ再び) - Toyota Aritsune (dịch bởi David Aylward)
- The Flower's Life Is Short (花の命は短くて) - Fukushima Masami (dịch bởi Judith Merill & Tetsu Yano)
- Girl (少女) - Mariko Ohara (dịch bởi Alfred Birnbaum)
- Standing Woman (佇むひと) - Yasutaka Tsutsui (dịch bởi Dana Lewis)
- Cardboard Box (ボール箱) - Ryo Hammura (dịch bởi Dana Lewis)
- The Legend of the Paper Spaceship (折紙宇宙船の伝説) - Tetsu Yano (dịch bởi Tomoko Oshiro & Gene van Troyer)
- Reiko's Universe Box (玲子の箱宇宙) - Shinji Kajio (dịch bởi T. Toyoda)
- Mogera Wogura (モゲラ) - Kawakami Hiromi (dịch bởi Michael Emmerich)
- Adrenalin (アドレナリン) - Yoshimasu Gozo (dịch bởi tác giả & Marilyn Chin)
- "From Vertical to Horizontal" (bài luận) - Asakura Hisashi
- "Translator as Hero" (bài luận) - Grania Davis
- Speculative Japan 2: The Man Who Watched the Sea and Other Tales
- A Gift from the Sea (海からの贈り物) - Naoko Awa (dịch bởi Sheryl A. Hogg)
- "Freud" (「Freud」) - Toh EnJoe (dịch bởi Kevin Steinbach)
- The Whale that Sang on the Milky Way Network (銀河ネットワークで歌を歌ったクジラ) - Mariko Ohara (dịch bởi Nancy H. Ross)
- Old Vohl's Planet (老ヴォールの惑星) - Issui Ogawa (dịch bởi Jim Hubbert)
- The Big Drawer (大きな引き出し) - Riku Onda (dịch bởi Nora Stevens Heath)
- Emanon: A Reminiscence (おもいでエマノン) - Shinji Kajio (dịch bởi Edward Lipsett)
- Midst the Mist (靄の中) - Koji Kitakuni (dịch bởi Rossa O'Muireartaigh)
- The Man Who Watched the Sea (海を見る人) - Yasumi Kobayashi (dịch bởi Anthea Murphy)
- Melk's Golden Acres (メルクの黄金畑) - Nobuko Takagi (dịch bởi Tanaka Dink)
- Q-Cruiser Basilisk (仮装巡洋艦バシリスク) - Koshu Tani (dịch bởi Simon VARNAM)
- Mountaintop Symphony (山の上の交響楽) - Norio Nakai (dịch bởi Terry Gallagher)
- Open Up (開封) - Akira Hori (dịch bởi Roy Berman)
- Perspective (遠近法) - Yuko Yamao (dịch bởi Ginny Tapley Takemori)
- Speculative Japan 3: Silver Bullet and Other Tales
- A White Camellia in a Vase (華 白椿) - Ken Asamatsu (dịch bởi Joe Earle)
- Heart of Darkness (心の闇) - Ayatsuji Yukito (dịch bởi Daniel Jackson)
- Angel French (エンゼルフレンチ) - Masaya Fujita (dịch bởi Pamela Ikegami)
- A Piece of Butterfly's Wing (蝶の断片) - Kamon Nanami (dịch bởi Angus Turvill)
- The Finish Line (あがり) - Matsuzaki Yuri (dịch bởi Nore Stevens Heath)
- Sunset (夕陽が沈む) - Minagawa Hiroko (dịch bởi Karen Sandness)
- It's All Thanks to Saijō Hideki (西城秀樹のおかげです) - Natsuko Mori (dịch bởi Anthea Murphy)
- To the Blue Star (青い星まで飛んでいけ) - Ogawa Issui (dịch bởi Edward Lipsett)
- The Warning (忠告) - Riku Onda (dịch bởi Mikhail S. Ignatov)
- Green Tea Ice Cream - Mark Schultz (truyện gốc được viết bằng tiếng Anh bởi một ông tác giả người Mỹ sống ở Nhật)
- Five Sisters (五人姉妹) - Suga Hiroe (dịch bởi Ginny Tapley Takemori)
- Invisible (インビジブル) - Tachihara Tōya (dịch bởi Nancy H. Ross)
- Lest You Remember (空忙の鉢) - Takano Fumio (dịch bởi Jim Hubbert)
- Fin and Claw (魚舟・獣舟) - Sayuri Ueda (dịch bởi Daniel Huddleston)
- Silver Bullet (銀の弾丸) - Yamada Masaki (dịch bởi Stephen Carter)
- Speculative Japan 4: "Pearls for Mia" and Other Tales
- Genesis: Dark Birth - Shining Death (発端 暗生/明死) - Ken Asamatsu (dịch bởi Tyran Grillo)
- The Fish in Chryse (クリュセの魚) - Hiroki Azuma (dịch bởi Ginny Tapley Takemori)
- The Sparrow Valley (雀谷) - Ryo Hanmura (dịch bởi Nick John)
- Where I Cross the Solar Wind (太陽風交点) - Akira Hori (dịch bởi Daniel Huddleson)
- Last Words (残されていた文字) - Masahiko Inoue (dịch bởi Iain Arthy)
- Pearls for Mia (美亜へ贈る真珠) - Shinji Kajio (dịch bởi Milo Barisof)
- Prototype No. 3 (試作品三号) - Yasumi Kobayashi (dịch bởi Nora Stevens Heath)
- Dancing Babylon (踊るバビロン) - Osamu Makino (dịch bởi William Adams)
- The Ebb and Flow of the Aurora Sea (オーロラの海の満ち干) - Junko Mase (dịch bởi Nancy Ross)
- Morceaux (断章) - Hiroko Minagawa (dịch bởi Milo Barisof)
- Nightfall (たそがれ) - Miekichi Suzuki (dịch bởi Lawrence E. Turner)
- Communion (交わり) - Takako Takahashi (dịch bởi Lucy North)
- The Burning House (機龍警察 火宅) - Ryoe Tsukimura (dịch bởi Pamela Ikegami)
- Vermilion (真朱の街) - Sayuri Ueda (dịch bởi Jim Hubbert)
- Matsui Seimon, on the Case (松井清衛門、推参つかまつる) - Masaki Yamada (dịch bởi Kevin Steinbach)
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Trước khi vào cái thằng này thì mình cần hỏi qua anh em một tí: mọi người có hay lên lượn r/manga không?
Trong trường hợp có anh em nào không hay ngó cái sub đấy, hoặc chẳng hiểu nó là cái gì, thì đây đại khái là cái forum bàn về manga trên Reddit. Mấy cái nhóm dịch truyện tiếng Anh ngoài luồng thường sẽ hoặc tung bản dịch của mình lên đây, hoặc không thì người đọc truyện thường đọc xong các chương truyện nhất định, dù là ngoài luồng hay chính thống, cũng đều sẽ lập thớt ở bên này để thiên hạ vào bàn luận. Riêng về manga thì trên Reddit gần như không thằng nào có quy mô vượt được thằng này, và vì không phải là một sub chuyên về một bộ nhất định nào đấy, đồng thời cũng có luật hạn chế mấy cái post linh tinh, thế nên nó gần như là cái hub manga tiếng Anh lớn nhất và sôi động mà anh em có thể tìm được (tính riêng nguồn tạm-gọi-là-hơi-hơi-chính-thống thôi nhé, chứ còn nếu nói về trang đăng lậu thì tất nhiên r/manga không có cửa đú rồi 🐧).
Đáng chú ý là bên cạnh các chương truyện thuộc những bộ dài hơi, cái r/manga này còn thường xuyên có các bản dịch của những cái “one shot”. Với anh em nào chưa biết, one shot là các manga ngắn, chỉ có một chương thôi là xong luôn, không bôi thêm câu chuyện ra nữa. Các cái one shot đấy có thể đến từ đủ kiểu nguồn, từ truyện tự vẽ tự đăng trên các nền tảng mạng xã hội như xitter, pixv, danbooru,… cho đến cả truyện xuất bản trên các tạp chí chính thống tại Nhật. Bản chất của chúng nó cũng đa dạng không kém gì cái nguồn của bọn nó, với lãng mạn, hành động, triết lý, máu me, người lớn, trẻ con, thậm chí cả sex,… đủ mùi luôn. Ngay cả độ dài của chúng nó cũng không hề có một cái chuẩn nào, với một số cái chỉ trong đúng 1 trang là kết thúc, có cái thì có khi phải đến trăm trang, gần bằng luôn một quyển truyện dài.
Chính vì cái sự thập cẩm đấy, và việc các cái one shot này được đăng nhiều đến mức gần như ngập r/manga, thế nên các thành viên cộng đồng này đã hình thành riêng một cái thuật ngữ để chỉ cái trải nghiệm đọc các manga lẻ chương kiểu này, ấy là “cò quay one shot” (tức “one shot roulette”). Lý do là không ai biết khi bấm vào đọc các cái one shot, hay thậm chí mở r/manga ra là sẽ thấy vui, buồn, giận, chán, hay, hỏny, hay gì cả.
Và thằng Speculative Japan này về cơ bản là phiên bản chữ của cái cò quay one shot đấy.
Cụ thể hơn, thằng Speculative Japan này có một phổ truyện rất rộng. Về mặt hình thức, có những truyện chỉ ngắn cũn tầm 1, 2 trang giấy là hết sạch, nhưng cũng có những truyện phi liền một mạch dài dằng dặc với chương hồi các kiểu (mặc dù tất nhiên là không dài như chương hồi tiểu thuyết). Về mặt nội dung, cốt kiếc các kiểu trong này cũng vô thiên lủng luôn. Có cái thì là kiểu truyện trinh thám điều tra, với một cái bí ẩn trọng tâm dần dần được bóc tách; có cái thì cũng là điều tra thám hiểm, nhưng mà lại là theo cái kiểu mơ màng ảo ảo; có cái thì xoáy vào một cái triết lý nhân sinh gì đó, xong chỉ cho nhân vật ngồi ê a ề à với cái triết đấy; có cái thì như kiểu một báo cáo thử nghiệm khoa học, diễn lại dưới dạng một câu chuyện; có cái đọc tựa một bản nháp dang dở và rời rạc, chắp nối một loạt ý tưởng lại với nhau; có cái thì là một kiểu trào phúng chỉ trích xã hội, với thứ nó chỉ trích lúc thì rõ rệt, lúc thì hơi bị khó hiểu; có cái thì thật sự chẳng biết tả ra sao ngoài trích lại câu nói của một nhà hiền triết từng nức tiếng giang hồ một thời: “Nani the fuck dayo?”.
Về mặt chất lượng thì các truyện trong này hơi kiểu thượng vàng hạ cám. Sẽ có những thằng được triển khai một cách rất tốt. Nó sử dụng một ý tưởng trọng tâm hết sức hấp dẫn, hoặc không thì cũng biến hóa một ý tưởng không đến nỗi quá mới lạ theo một cách thú vị. Phần đưa đẩy của nó, dù có là đưa đẩy theo kiểu hành động kịch tính hay là bóc tách tư tưởng triết lý, cũng có nhịp lên xuống rất hài hòa, luôn duy trì được sự quan tâm của độc giả một cách rất tốt, và bất kể dài ngắn thế nào, anh em cũng sẽ thấy truyện đi đến điểm dừng ở một nơi rất hợp lý, đọc không thấy quá chóng vánh hay lê thê.
Nhưng ngược lại với nó, cũng có những cái truyện anh em sẽ thấy bị làm khá là ấm ớ. Hoặc là mấy cái truyện này tự thân ý tưởng nó cũng rất là nhàm, hoặc là do chúng nó triển khai ý tưởng của mình theo một cách rất là nhạt miệng. Phần giải quyết với đưa đẩy xung đột của chúng cũng bị làm theo cái kiểu gì ấy, đọc không rối thì cũng buồn ngủ. Có những truyện thậm chí còn tạo cảm giác cắt phụt giữa chừng, như thể đến đấy thì tác giả bí quá không biết làm gì tiếp nên dừng, hoặc là người ta đang nhắm đến một cái hiệu ứng văn học nhất định, cơ mà phần triển khai thì chưa đến nơi.
Cơ mà đúng như một cái đồ thị hình chuông, phần nhiều các truyện trong 4 cái tuyển tập này sẽ rơi vào khoảng lưng chừng ở giữa. Chúng nó sẽ là những truyện loanh quanh mức đọc được, nhưng có một thứ gì đó về chúng nó khiến bọn này không bứt lên được, dù là theo hướng nào. Chúng nó không thực sự có cái gì quá đột phá, quá cuốn hút để đẩy hẳn lên cái mức bập vào đọc là quên trời quên đất luôn, song cũng chẳng có cái gì thực sự tệ hại đến mức kéo tuột nó xuống hàng nhảm. Nó chỉ đơn giản là đọc cũng thấy ok, nhưng khả năng rất cao là chỉ cần đi thêm tầm 2, 3 truyện gì đó nữa thôi là ký ức của anh em về mấy cái truyện này đã bắt đầu trở nên nhập nhèm rồi.
Cơ mà đáng chú ý một cái là bất chấp cái kiểu hổ lốn như thế, các truyện trong này vẫn có một cảm giác tương đồng nhất định. Tuy rằng truyện trong mấy tuyển tập được viết bởi đủ mọi tác giả trên trời dưới bể, cái “trời bể” này vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Nhật thôi, và đặc biệt là mấy tuyển tập đầu thì cũng gom truyện từ cái thời thế giới nó chưa đến mức phẳng như bây giờ, thế nên các truyện mang một cái phong cách Nhật khá rõ nét. Cái này được thể hiện ra trong cách truyện chọn trọng tâm để xoáy vào, cách các ý tưởng được phát triển lên, lẫn nhưng tư tưởng, vấn đề xã hội được lồng ghép vào trong câu chuyện. Có đôi ba truyện gì đấy nghe mùi khá giống truyện phương Tây, chẳng hạn như một truyện về con tàu không gian có cái kiểu giải thích khoa học đậm chất Arthur C. Clarke, nhưng ngay cả mấy cái truyện này cũng mang hơi thở Nhật không lẫn vào đâu được, thế nên ngay cả khi không tìm được truyện nào ưa thích trong này, anh em cũng sẽ có được một cảm giác mới mẻ hẳn so với việc đọc các truyện phương Tây.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Cũng tương tự như với phần cốt, cái thế giới của Speculative Japan cũng hết sức đa dạng. Có những cái truyện là Sci Fi gần như thuần túy, với thế giới được xây dựng dựa trên một nền tảng hoặc ý tưởng công nghệ khoa học nào đó, và được cơi nới dần ra. Mấy thằng này có thể chỉ dừng lại ở một tầm rất nhỏ, chẳng hạn như sử dụng công nghệ y học để thay thế dần các phần của cơ thể, từ đấy duy trì sự sống ở một mức tối đa. Có cái thì lại vẽ ra những ý tưởng vĩ mô hơn, xoay quanh cái trạng thái chồng chập lượng tử khi bước vào siêu không gian để di chuyển với vận tốc ánh sáng, hay thậm chí cả sự tiến hóa, phát triển, rồi suy tàn của một nền văn minh ngoài hành tinh.
Có những truyện thì tuy cũng là Sci Fi, nhưng lại đánh mạnh vào khía cạnh xã hội của mọi thứ hơn, tỉ như một truyện xây ra cái thế giới Dystopia nơi sinh vật sống, hay thậm chí con người, có thể bị chính quyền chỉ định đem chôn chân xuống đất, xong dùng cái phân bón gì đó để thực vật hóa, hoặc việc có một thế giới nơi chiến tranh trở thành một dạng môn thể thao, và các nước tuyên chiến với nhau sẽ phải chọn khung thời gian lịch sử nhất định và dùng các loại binh khí nhất định của thời đấy để đánh đấm, trong khi UN thì đứng ra làm trọng tài.
Bên cạnh mấy thằng kiểu trên là những cái truyện hoặc pha trộn cả yếu tố Sci Fi lẫn Fantasy vào với nhau, hoặc mang tuyền một màu Fantasy luôn. Kiểu như có một cái truyện là về một cô gái điên sống trong một cái làng trên núi, và cái thế giới ở đây được xây dựng theo một kiểu khá lập lờ, không rõ nó có cái gì thần tiên không hay là dính dáng đến một sự kiện khoa học nhất định. Có truyện thì lại xây dựng thế giới là một kiểu đa vũ trụ gì đấy, với cứ mỗi lần chim chóc lượn qua một phát là thực tại lại thay đổi. Cái thì lại có một thứ yêu tinh hay quỷ gì đấy sống gần biển, nhưng mà thay vì làm cái gì dị dị thì chúng nó chỉ hiện ra lòe mấy đứa trẻ con để lấy vỏ sò.
Về mức độ hấp dẫn thì cũng một lần nữa, anh em phải áp dụng quy tắc cò quay one shot ở đây. Nói một cách cụ thể hơn, không có một mức chất lượng hay nguyên lý xây dựng nhất quán nào ở đây cả. Một số thì đầu tư cho thế giới khá mạnh, gần như vẽ ra cả một thế giới mới tinh, và rất nỗ lực sử dụng các nguyên lý khoa học kỹ thuật để thiết lập nên một thế giới vững chãi và khả dĩ nhất có thể. Có cái thì YOLO phần khoa học, hoặc giải thích khoa học theo một ý hiểu rất buồn cười, với mục tiêu chỉ tạo ra một cái thế giới dị là được, không cần quan tâm đến việc liệu nó nghe có hợp lý hay không (mặc dù công bằng mà nói, ở một số truyện thì sự phi lô-gic trong thế giới lại chính là cái điểm mấu chốt của thế giới này). Có những cái thì thế giới bám khá sát thế giới thực, với chỉ đôi ba yếu tố là lệch pha với thực tại, bởi tác giả muốn tập trung vào cái drama hay cái cốt nào đó, chứ không hẳn là xây dựng ra một cái viễn cảnh gì quá ảo diệu.
Mà tiện nhắc đến thế giới thực, ngay cả cái cảnh quan thế giới trong các tác phẩm này cũng có những cái tầng bậc xây dựng khác nhau cơ. Không kể một số cái lấy bối cảnh ngoài vũ trụ hay tuyến thời gian dị hợm nào đó, đa phần các truyện trong này sẽ lấy bối cảnh Nhật Bản. Một số truyện thì đi vào miêu tả khá kỹ lưỡng khung cảnh của một ngôi làng hay cái miền nào đó của Nhật, cùng một số nét tập tục, văn hóa của nó, và nhờ đấy mà anh em sẽ cảm thấy rất dễ đắm mình vào cái thế giới của truyện, như đang được cùng nhân vật đi chu du đó đây. Một số cái thì làm kiểu hơi lướn lướt, khá là kiệm lời miêu tả cảnh trí với nếp sống dân tình, mà chỉ chú trọng làm cốt với xây nhân vật.
Nếu phải nhận xét chung, cái khoản thế giới này cũng như kiểu cốt, với chất lượng phân bố theo đồ thị chuông: có vài cái hay bật, vài cái dở, nhưng chủ yếu là làng nhàng ở giữa, không đến mức hay, nhưng cũng chẳng đến mức dở, đi được vài truyện là bay hết khỏi đầu.
NHÂN VẬT
Không khác gì hai cái phần trước, khoản nhân vật trong Speculative Japan cũng khá là bất đồng nhất. Có những truyện làm nhân vật theo kiểu khá nhạt nhòa, nội tâm không phức tạp, quá khứ cũng chẳng có gì đáng nói, tính cách cũng kiểu bình thường, góp mặt vào truyện chủ yếu vì tác giả cần có ai đó để giúp đưa đẩy câu chuyện. Có những truyện thì chăm chút nhân vật hết sức kỹ lưỡng, với quá khứ, xung đột tình cảm, giằng xé bão giông trong lòng đủ cả, và có một hành trình phát triển rất rõ ràng. Nói chung cứ mỗi lần nhảy truyện là coi như một lần đánh lô tô, không thể biết chất lượng nhân vật sẽ như thế nào.
Mà hơi buồn cười một cái là không phải cứ những truyện mang tính tâm lý xã hội cao mới là thứ tạo ra được nhân vật chất. Vì bản chất của những cái truyện này, nhân vật của chúng nó đương nhiên sẽ được đầu tư hơn hẳn các truyện nặng về cốt với ý tưởng, và quả đúng là nếu xét một cách khách quan, đội đấy sẽ có chiều sâu hơn. Cơ mà mấy nhân vật mình nhớ nhất thì lại đến từ các truyện không hẳn là truyện nặng về xã hội, mà lại là mấy cái truyện có ý tưởng và khái niệm dị, kiểu như cái truyện với nhân vật là một cái thùng các tông hoặc một cái truyện với nhân vật chính đại khái là thằng Bob trong Bobiverse (về mặt bản chất của nó thôi nhé, chứ còn tính cách thì con ôn này khác thằng Bob một trời một vực), đơn giản vì tự thân cái ý tưởng về đội này đã hấp dẫn rồi. Mấy truyện kiểu tâm lý khác thì hạn hữu lắm một có một truyện thực sự bật lên, kiểu cái truyện về cô điếm điên với nguồn gốc đáng ngờ, là còn để lại được ấn tượng, còn đâu tất cả cứ có cái kiểu làng nhàng, quện nhập nhèm hết vào với nhau, không có ai thực sự khác biệt với ai cả.
TỔNG KẾT
Speculative Japan không hẳn là một cái gì quá đột phá hay ấn tượng, cơ mà thực sự đọc cũng không đến nỗi nào. Thằng này có thể nói là một mâm cỗ với số lượng món đa dạng đến đáng nể, và tất cả đều được nấu nướng theo một phong cách khá là lạ miệng nếu anh em đang ăn đồ Âu Mỹ quen mồm. Bảo rằng anh em sẽ bị 4 tuyển tập này mê hoặc đến không dứt ra được thì có lẽ sẽ là hơi quá, nhưng khả năng rất cao là mọi người sẽ tìm thấy ít nhất dăm ba truyện trong này hợp gu, không thì ít nhất cũng sẽ được có một cái nhìn phong phú hơn về cái nền văn học SFF ở Nhật.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓