Trong cái bài review về A Short Stay In Hell của Steven L. Peck tối qua, mình có đề cập đến việc nó được viết dựa trên cái truyện ngắn The Library of Babel nổi tiếng của Jorge Luis Borges. Bữa đó mình có tính phân tích luôn 2 cái truyện này giống và khác nhau thế nào để những anh em đã đọc Borges rồi có động lực đọc tiếp sang Peck, nhưng mà nhồi thêm vào thì thấy dài quá, thế nên nay xin được tách ra thành một bài so sánh riêng.
Như đã nói trong bài review đấy, nếu đã đọc The Library of Babel, anh em sẽ thấy cái ý tưởng nền của nó và A Short Stay In Hell giống nhau đến 99%. Cả hai thằng đều lấy bối cảnh là một cái thư viện khổng lồ, chứa đựng mọi cuốn sách có thể được viết ra dựa trên một nhóm ký tự latinh và ký tự đặc biệt hữu hạn. Các cuốn sách của chúng nó cũng có cùng kích thước, cùng số trang, cùng số dòng, cùng số ký tự, và ở cả hai thư viện, không có cuốn sách nào trùng với cuốn sách nào cả.
Ngay cả ý tưởng về cách những người sống trong thư viện đấy phản ứng với nó của hai bên cũng cực kỳ giống nhau. Trong cả hai truyện, ta đề bắt gặp những người đinh ninh rằng nơi đây sẽ chứa những cuốn sách với nội dung quý giá, và từ đó túa đi khắp nơi để tìm kiếm, lùng sục các cuốn sách trong thư viện theo một kiểu rất quy củ: đi từng tầng, từng gian kệ một. Ta cũng có những người hóa điên, trở nên cuồng tín đến cực đoan, và thực hiện những hành động quái gở và bạo lực. Ta có cả những nhóm người tìm cách bới móc ý nghĩa ra từ những cụm vô nghĩa.
Nhưng từ mấy cái ý tưởng dùng làm nền bên trên, hai thằng này tẽ ra theo hai hướng khá riêng biệt. Cái đầu tiên nằm ở chính cái… ý tưởng của chúng nó.
Cụ thể hơn, điểm khác biệt giữa hai thằng này là trong The Library of Babel, cái thư viện đấy chỉ đơn thuần tồn tại thôi. Tác phẩm chẳng đưa ra bất kỳ một lý giải gì cho sự hình thành của một thứ như thế, do ai tạo ra, nằm ở chỗ nào, là một thực thể thật hay là cái gì cao siêu vô định hơn. A Short Stay In Hell thì đã tạo ra một câu chuyện mới, bao lấy cái câu chuyện bên trong, đó là đây là một địa ngục do quỷ tạo ra để trừng phạt những kẻ không theo đạo. Nhờ câu chuyện bao bên ngoài kia, cái thư viện đã có một lý do để tồn tại, một người đứng đằng sau để thiết kế, và ta cũng lờ mờ ý thức được nơi đây nằm ở một cái chiều không gian như thế nào, tách bạch với thế giới của chúng ta ra sao, và sao lại có người đến sống ở trong đấy. Điều này lập tức giúp cái thư viện của Peck có được một độ vững cao hơn hẳn của Borges.
Thêm một cái nữa là A Short Stay In Hell cũng đưa ra một số thay đổi về cấu trúc của thư viện. Cái thay đổi lớn nhất là về số lượng ký tự sử dụng.
Như trong truyện gốc, nội dung các cuốn sách sẽ luôn được cấu thành từ một tập hợp 25 ký tự (bao gồm 22 chữ cái latinh không viết hoa, dấu cách, dấu chấm, và dấu phẩy). Sở dĩ có chuyện này vì Borges lấy mốc khởi điểm là 30 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Tây Ban Nha ở thời của ông, sau đó lọc bớt mấy chữ ông cụ thấy thừa thãi, chẳng hạn các chữ cái kép (ch, ll, rr), chữ ñ, và mấy chữ chỉ xuất hiện trong các từ mượn, dần dà rút gọn xuống còn 22.
A Short Stay In Hell thì quất nguyên 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh, xong cộng thêm phiên bản viết hoa của chúng nó vào nữa, nâng số ký tự tổng lên thành 52. Nó sau đấy lại cho phép sử dụng cả các chữ số từ 0 đến 9, và một loạt các ký tự đặc biệt khác thay vì mỗi chấm phẩy. Truyện không nói rõ là những ký tự nào được phép cho vào, nhưng nếu lấy các ký tự xuất hiện trên bàn phím máy tính phổ thông làm chuẩn, ta sẽ có 32 thằng cả thảy, gồm dấu cách và các dấu sau: !, @, #, $, %, ^, &, *, (, ), _, +, -, =, [, ], {, }, |, , ;, :, ', ", ,, ., <, >, /, ?, `, ~. Nói thế tức là nội dung các cuốn sách trong cái thư viện của A Short Stay In Hell được cấu thành từ tận 94 ký tự cả thảy, thay vì chỉ 25 ký tự như trong The Library of Babel. Điều này khiến cho cái thư viện của A Short Stay In Hell có quy mô khủng khiếp hơn hẳn The Library of Babel.
Mà tiện nhắc đến thư viện, cái kết cấu của bản thân thư viện trong A Short Stay In Hell cũng đã được thay đổi. Thay vì có cái kiểu các căn phòng lục giác nối tiếp nhau như một cái tổ ong bạt ngàn của The Library of Babel, thư viện của A Short Stay In Hell lại được thiết kế giống với một thư viện chuẩn hơn. Nó chỉ là hàng hàng dãy dãy những kệ sách, chạy dài theo 3 hướng. Ở hướng thứ 4 là một cái vực sâu hoắm, xẻ thư viện ra làm đôi. Nói một cách hình tượng hơn, cái thư viện của A Short Stay In Hell như kiểu cái Grand Canyon ở Mỹ ấy, có điều các bên thành vách được cấu thành từ vô vàn các tầng thư viện, trải dài bất tận sang hai bên và cả trên lẫn dưới.
Thêm vào đó, không như The Library of Babel, vốn chỉ tập trung xây cái thư viện mà bất cần quan tâm đến những thứ khác, A Short Stay In Hell còn bổ sung thêm cho thư viện mình những cơ sở hỗ trợ cần thiết khác. Ở đây có các gian buồng ngủ nghỉ, đủ cho cả những người “định cư” cố định tại một nơi lẫn những khách vãng lai. Nó cũng có cả các thiết bị cung cấp đồ ăn thức uống, đảm bảo mọi nhu cầu thể chất của người sống tại đấy luôn được đáp ứng. Những thứ này có các quy luật riêng rất quy củ cai quản, và có cả những kẽ hở để lợi dụng để giúp người dân sống trong thư viện ít nhiều vượt qua những hạn chế mà cuộc sống trong một thư viện thuần túy có thể sẽ mang lại. Nói chung là A Short Stay In Hell tạo ra cả một hệ thống duy trì và hỗ trợ sự sống chi tiết, chứ không chỉ đơn thuần xoáy vào mỗi cái ý tưởng thư viện như The Library of Babel đâu.
Và tiện nhắc đến việc không xoáy vào ý tưởng, một cái khác biệt cực lớn khác giữa là A Short Stay In Hell và The Library of Babel là cái kết cấu của nó.
Anh em nào đã đọc The Library of Babel thì cũng biết rồi đấy, cái truyện đấy thực chất gọi là truyện thì hơi ngượng mồm. Nó không thực sự có một cái cốt, chẳng có gì thực sự đáng gọi là cao trào, xung đột, mở kết, hay yếu tố gì để gọi đây là một câu chuyện theo đúng nghĩa cả. Nó giống với một bản nháp cho một ý tưởng Borges nảy ra trong đầu, hay đúng hơn là một bài luận ông viết để chiêm nghiệm về bản chất của sách, sự bất tận, và ý nghĩa của thông tin. Nếu chỉ đọc The Library of Babel với tâm thế đọc một câu chuyện thay vì một thứ giúp khơi gợi suy tư, mọi người sẽ cảm thấy khá thất vọng.
A Short Stay In Hell thì khác hẳn. Nó có mở thân kết đầy đủ, với đủ kiểu cao trào và xung đột khác nhau. Anh em sẽ thấy nó không hề vô định như The Library of Babel, mà có một mục tiêu đã được đặt sẵn ra từ đầu, với các nhân vật di chuyển về hướng mục tiêu đấy, ngay cả trong những lúc câu chuyện nghe mùi có vẻ đang lan man hoặc chững lại. Các theme cũ của The Library of Babel vẫn được lưu giữ khá trọn vẹn, nhưng nó lại được kết hợp thêm cả sự kịch tính và đưa đẩy của một mạch kể, từ đấy trở nên dễ tiếp cận và theo dõi hơn hẳn.
Và cũng chính từ việc một thằng có cốt, một thằng không kia, ta lại có thêm một điểm khác biệt nữa giữa hai thằng này: nhân vật.
The Library of Babel trên lý thuyết là có nhân vật đấy, và thậm chí cái câu chuyện mà nó kể cũng là thuật lại qua miệng một người sống trong thư viện. Nhưng vấn đề là nhân vật của truyện có cũng như không luôn. Tất cả mọi người đều không hề được khai thác theo bất kỳ góc độ nào ngoài những khía cạnh cực kỳ hời hợt. Cùng lắm, ta chỉ biết được là có nhân vật thuộc một cái giáo phái hay làm cái trò này trò kia, và có hành động này hành động kia, nhưng không một lần nào ta được biết về tâm tư tình cảm của họ, quá khứ của họ, hay bất cứ cái gì làm cho họ trở nên giống người cả. Đến bản thân nhân vật dẫn truyện cũng chẳng để lộ ra tí tình cảm gì, từ đầu đến cuối giữ nguyên một giọng lạnh lùng và xa cách, như thể đồng chí này là một cái máy quay vô hồn, chẳng làm gì ngoài thuật lại những sự đang diễn ra trong thư viện.
A Short Stay In Hell thì chơi theo kiểu ngược lại hoàn toàn luôn. Gần như mọi nhân vật trong đấy, kể cả những nhân vật vặt vãnh nhất, đều hiện lên theo một kiểu rất người. Ai nấy đều có đủ kiểu hỉ nộ ái ố, những xung đột nội tâm, những dằn vặt về tư tưởng rất riêng. Họ còn có nguyên cả một kiếp đời từng bỏ lại phía sau, hồi vẫn còn sống trên trần thế, và những cái kiếp đời đấy cũng được đi rất sâu vào khai thác để cho ta thấy những con người này từng sống một cuộc đời như thế nào, và chúng đã góp phần định hình con người ngày nay của họ cũng như phản ứng của họ trong thư viện ra sao.
Ngay cả cái cách bọn họ đơn thuần phản ứng trước cái thư viện và những thứ nó cung cấp cũng đều đậm chất người. Họ không chỉ nói về sự lớn lao của thư viện dưới dạng một khái niệm, mà họ thấy bực tức trước nó, mê mẩn vì nó, và tuyệt vọng đến quẫn cùng vì nó. Họ cũng không đơn thuần cân nhắc các cụm từ mình tìm thấy trong các cuốn sách theo kiểu máy móc như một lũ rôbốt, mà họ sung sướng đến điên cuồng khi bắt được dù chỉ một từ có ý nghĩa; họ nhảy nhót loạn lên, giàn giụa nước mắt chia sẻ về lý do mình lại thấy từ đó quý báu như thế, hồi tưởng lại các kỷ niệm vui có, buồn có liên quan đến nó. Khi có bất cứ điều gì xảy ra trong thư viện, ta cũng không chỉ được nghe về nó như một dòng ghi chú trong sách sử, mà ta được thấy những con người này quằn quại thế nào, mất mát ra sao, và tất cả những sự rối bời hoảng loạn chạy trong đầu óc họ khi cái sự kiện đó xảy ra nữa.
Nói tóm lại, A Short Stay In Hell đúng là đú The Library of Babel rất mạnh đấy, nhưng những sáng tạo và thêm thắt mà nó bổ sung cho mẩu truyện gốc đã giúp biến đây thành một tác phẩm gần như mới toanh. Thậm chí, tùy cách nhìn nhận, A Short Stay In Hell có khi còn là một tác phẩm ưu việt hơn cả The Library of Babel nữa. Chính bởi vậy, dù đã đọc The Library of Babel rồi, anh em vẫn rất nên ngó qua A Short Stay In Hell để xem cái nền tảng của Borges có thể được phát triển lên đến mức nào nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓